Lần đầu tổ chức Festival Quảng cáo Việt Nam tại tỉnh Bình Dương
Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương nêu rõ ngành quảng cáo phải là một mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam.
Festival Quảng cáo Việt Nam lần đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 11-13/7 tại tỉnh Bình Dương với chuỗi hoạt động giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, tầm quan trọng của quảng cáo nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Sự kiện do Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức với điểm nhấn là Diễn đàn về quảng cáo và truyền thông Việt Nam 2024.
Ngoài ra, còn có Triển lãm các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Vietnam Cultural Show 2024), Triển lãm Quốc tế Thiết bị và Công nghệ Quảng cáo Việt Nam lần thứ 14 (VietAd 2024-Binh Duong), Triển lãm Quốc tế Thiết bị và Công nghệ Giải trí Việt Nam (Vietnam Entertainment Show 2024)...
Các hoạt động này tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp quảng bá thế mạnh quảng cáo, kiến trúc, công nghệ giải trí, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa...
Trong chuỗi các hoạt động còn có hội thảo về thực trạng và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa, Cuộc thi sáng tác ảnh chủ đề “Việt Nam - điểm hẹn thế giới," Ngày hội hướng nghiệp và chuỗi hội thảo chuyên đề liên quan...
Quảng cáo là một trong 12 lĩnh vực trọng tâm của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, hoạt động quảng cáo đã phát triển mạnh mẽ, gia tăng cả về số lượng, chất lượng, doanh thu, đóng góp cho việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, cầu nối giữa người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất của lĩnh vực quảng cáo có xu hướng tăng theo từng năm, bình quân tăng 6,28%/năm; giá trị gia tăng bình quân tăng 6,31%/năm.
Năm 2022, doanh thu quảng cáo đạt khoảng 2,192 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu đứng thứ 5/11 quốc gia ASEAN, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng.
Hiện nay, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Xu hướng phát triển công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động quảng cáo (trên mạng xã hội, qua thiết bị di động, hiển thị tự nhiên…) tại thị trường quảng cáo Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hướng sự chú ý và quan tâm nhiều hơn đến việc quảng bá thương hiệu trên các kênh kỹ thuật số.
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là đẩy mạnh quảng cáo tương tác, quảng cáo trên nền tảng số hóa và tích hợp giữa các loại hình, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI, IoT, Blockchain và BigData.
Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ninh Thị Thu Hương nêu rõ ngành quảng cáo phải là một mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Do đó, cần có sự giao thoa, kết nối màu sắc, diện mạo, sức sống mới trong việc kết hợp quảng cáo với điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn và du lịch văn hóa để phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030.
Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Nguyễn Trường Sơn thông tin ngoài doanh thu, quảng cáo là công cụ truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, góp phần đưa văn hóa Việt bước ra thế giới. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội giúp quảng cáo dễ lan tỏa và tạo tác động lớn đến hành vi người dùng.
Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó bảo đảm quy định rõ các điều kiện, yêu cầu đặc thù của loại hình quảng cáo trên môi trường mạng, quảng cáo xuyên biên giới, các chế tài nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm pháp luật, chống thất thu thuế, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.../.