"Say Xẩm”: Lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân gian trong giới trẻ Hà Thành
Để có được tình yêu của công chúng trẻ tuổi, nghệ thuật hát xẩm cần có sự cải tiến cả về nội dung và hình thức để vừa bảo đảm yếu tố bản sắc, vừa phù hợp với người nghe đương đại.
Hiện nay, nghệ thuật hát xẩm đã và đang được phục hồi, phát triển trong đời sống cộng đồng tại nhiều địa phương. Bằng nhiều hình thức đa dạng và cuốn hút, các nghệ sĩ đã khéo léo truyền tải những giá trị văn hoá đặc sắc của nghệ thuật hát xẩm; lan tỏa niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật cổ truyền này tới thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc.
Nỗ lực gìn giữ nghệ thuật hát xẩm
Một buổi tối cuối tuần oi ả, tại một quán cà phê đậm chất Hà Nội xưa, nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, rất đông bạn trẻ đã tề tựu để cùng thưởng thức và kết nối với không gian nghệ thuật dân gian vô cùng đặc sắc - nghệ thuật hát xẩm.
Sự kiện do trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trung tâm Xúc tiến, quảng bá di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam và nhóm Sáng kiến văn hóa Việt Nam phối hợp tổ chức mang tên "Say Xẩm.”
Với sự góp mặt của Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Hoạch - nghệ nhân gạo cội của dòng âm nhạc dân gian Việt Nam và các nghệ sĩ trẻ như Ngô Văn Hảo, Đinh Thị Thảo, Phạm Văn Trình, "Say Xẩm” đã đưa công chúng yêu thích hình thức diễn xướng dân gian bằng nghệ thuật hát nói và âm nhạc này đi qua các cung bậc cảm xúc với những câu chuyện, những góc nhìn, tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật xẩm.
Điều đặc biệt là tại đây, các bạn trẻ không chỉ được thưởng thức các tác phẩm hát xẩm đặc sắc mà còn được giao lưu với các nghệ sĩ khách mời, tham quan triển lãm trang phục và nhạc cụ tiêu biểu của xẩm; tham gia các trò chơi dân gian; học hát, sử dụng nhạc cụ và sáng tác xẩm với sự hướng dẫn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Bạn Nguyễn Duy Lộc, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, lần đầu tiên được tham gia chương trình nghệ thuật biểu diễn xẩm đã không giấu nổi xúc động. “Em đã được nghe xẩm khá nhiều qua các trang mạng xã hội. Đây là lần đầu tiên được thưởng thức xẩm trực tiếp trên một sân khấu với những nghệ sĩ nổi tiếng. Cảm giác nhắm mắt lại, thả mình vào giai điệu, đung đưa theo tiếng đàn, tiếng phách thật ấn tượng,” Duy Lộc chia sẻ.
Nguyễn Hiền Trang, thành viên Ban tổ chức sự kiện “Say Xẩm” bày tỏ: “Là sinh viên trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, chúng em không chỉ nghe mà còn nghiên cứu xẩm và mong muốn ngày càng có nhiều bạn trẻ biết và yêu xẩm như chúng em. Giờ đây, xẩm không còn là môn nghệ thuật khó thưởng thức và kén người nghe như nhiều người vẫn nghĩ.”
Bằng nhiều hình thức đa dạng và cuốn hút, các nghệ sĩ và Ban tổ chức đã khéo léo truyền tải những giá trị văn hoá đặc sắc của nghệ thuật hát xẩm; lan tỏa niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật cổ truyền tới thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc.
Để công chúng yêu văn hoá nghệ thuật dân gian
Theo tài liệu của Hội thảo khoa học quốc tế về "Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát Xẩm trong xã hội đương đại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và Trường Đại học Temple Hoa Kỳ tổ chức, nghệ thuật hát xẩm xuất hiện từ thế kỷ 14 tại những nơi đông người qua lại như quán chợ, bến đò, ga tàu… do những người khiếm thị biểu diễn hát rong kiếm sống.
Theo các chuyên gia, hát xẩm chắt lọc những nét tinh túy của các thể loại âm nhạc cổ truyền như chèo, ca trù, trống quân, cò lả, hát ví, hát ru, quan họ, hò khoan… đồng thời có những đặc trưng riêng không thể trộn lẫn.
Thời kỳ thịnh vượng nhất của xẩm là giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi xẩm phát triển trở thành một nghề kiếm sống của người nghèo nơi thành thị và được truyền dạy từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các đô thị, sự ra đời của nhiều loại hình nghệ thuật mới, lượng người yêu xẩm và hát xẩm vơi dần…
Để xẩm có thể phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của mọi tầng lớp nhân dân, dựa vào những làn điệu gốc của xẩm với 3 điệu chính Xẩm Huê tình, Xẩm xoan, Xẩm ba bậc, các nghệ sĩ đã sáng tác thêm nhiều bài hát mới. Đây chính là giá trị bất biến của nghệ thuật hát xẩm, giúp xẩm trường tồn và lan tỏa.
Việc nghệ thuật hát xẩm đang dần lấy lại được vị trí trong lòng người hâm mộ, có nhiều khán giả tò mò, hứng thú, muốn tìm hiểu, thưởng thức và trải nghiệm hát xẩm, sáng tác xẩm đã trở thành động lực, niềm hạnh phúc cho các nghệ sĩ trong nỗ lực bảo tồn nghệ thuật hát xẩm.
Sau buổi giao lưu với khán giả, NSND Xuân Hoạch xúc động chia sẻ: "Tôi mừng lắm. Qua sự kiện ‘Say Xẩm’, tôi có thể thấy được niềm yêu thích và đam mê của các bạn trẻ dành cho xẩm. Tôi thực sự bất ngờ khi môn nghệ thuật dân gian vốn còn ít người biết đến và biểu diễn này lại được đón nhận nồng nhiệt đến thế."
Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Hoạch cho biết, xẩm bây giờ được truyền dạy, biểu diễn ở khắp nơi và nhận được sự yêu mến từ công chúng. Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến ở nơi đông người và là nghề mưu sinh của không ít người khiếm thị, xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch và khán giả yêu thích. Những chiếu xẩm tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận khiến cho Hà Nội trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách quốc tế.
Theo ông, để tồn tại và tiếp tục phát triển trong điều kiện mới, xẩm phải có sự cải tiến cả về nội dung và hình thức để phù hợp hơn với công chúng hiện đại. Các sản phẩm mới cần vừa bảo đảm yếu tố bản sắc, đặc thù của xẩm, đồng thời phải phù hợp với người nghe đương đại, để có thể “bám rễ” và lan tỏa sâu rộng hơn.
Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Hoạch bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều chương trình như “Say Xẩm” được tổ chức để tạo một không gian văn hoá lành mạnh, qua đó kéo khán giả đến gần hơn với văn hoá nghệ thuật dân gian của cha ông, giúp các bạn trẻ - “những con người mới thưởng thức nền văn hóa cũ.” Các cơ quan liên quan tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, nghiên cứu về xẩm; hỗ trợ các hoạt động truyền dạy hát xẩm qua nhiều hình thức đa dạng, trong đó ưu tiên cho những hình thức dân gian như: truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề.../.