Mỹ thúc đẩy Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ diễn ra ngày 6/9 tại Jakarta, hai bên đã thông qua Tuyên bố Chung về Hợp tác trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ diễn ra ngày 6/9 tại Jakarta, hai bên đã thông qua Tuyên bố Chung về Hợp tác trong khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Về hàng hải, hai bên cam kết mở rộng hợp tác trong quản lý bền vững tài nguyên biển; tăng cường năng lực chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU); bảo vệ sinh kế của cộng đồng ven biển; hỗ trợ cộng đồng ngư dân quy mô nhỏ; thúc đẩy thương mại hàng hải; thúc đẩy nỗ lực bảo vệ và bảo tồn môi trường biển; và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hàng hải thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt bằng cách đề cao tự do hàng hải và hàng không, tái khẳng định sự cần thiết theo đuổi giải pháp hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan nhằm nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ, phục hồi và quản lý bền vững môi trường biển, cũng như an toàn, an ninh và giáo dục hàng hải.
[Mỹ khẳng định cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN]
Về kết nối, hai bên cam kết thúc đẩy hợp tác và đối tác hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số, hậu cần liền mạch và cơ sở hạ tầng bền vững; tăng cường phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy giao lưu nhân dân thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cũng như tăng cường kết nối giữa nhân dân các nước; ủng hộ cơ sở hạ tầng và kết nối ASEAN phù hợp với Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025.
Về phát triển bền vững, hai bên cam kết thúc đẩy ổn định, hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững của tiểu vùng sông Mekong thông qua các sáng kiến chung trong khuôn khổ Thỏa thuận Mekong-Mỹ; hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN nhằm hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN bao trùm; tăng cường các nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 thông qua hợp tác an ninh lương thực, an ninh y tế và xây dựng hệ thống y tế linh hoạt, bình đẳng giới, nhân quyền, năng lượng sạch và hành động vì khí hậu, thành phố thông minh và bền vững, bảo tồn môi trường, minh bạch, pháp quyền; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và công bằng cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khả thi khác, ASEAN và Mỹ nhất trí đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thúc đẩy ổn định tài chính, khả năng phục hồi, chống tham nhũng; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư; tăng cường hợp tác về tạo thuận lợi thương mại, cơ sở hạ tầng hậu cần và dịch vụ; thúc đẩy sự tham gia để góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững, thích ứng và bao trùm.
Hai bên cũng ủng hộ hợp tác về kinh tế số, an ninh mạng và hợp tác xây dựng không gian mạng rộng mở, an toàn, bảo mật, ổn định, dễ tiếp cận, có khả năng tương tác, hòa bình và thích ứng; đồng thời tìm cách thúc đẩy sự tham gia hợp tác của các quốc gia khác, các cơ chế khu vực và tiểu khu vực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong các lĩnh vực cụ thể có lợi ích chung nhằm bổ sung cho các sáng kiến liên quan./.