Hàn Quốc ủng hộ những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN
Hai bên nhất trí mở rộng và làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hàn Quốc và hoan nghênh đề xuất của Hàn Quốc thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Hàn Quốc vào năm 2024.
Kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc tại Jakarta (Indonesia), hai bên đã ra tuyên bố chung trong đó nhất trí hỗ trợ các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua các chiến lược và sáng kiến lớn của hiệp hội, bao gồm Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 và Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn 2021-2025.
Hai bên nhất trí mở rộng và làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hàn Quốc, thông qua việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Kế hoạch Hành động ASEAN-Hàn Quốc, triển khai Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hòa bình, Thịnh vượng và Đối tác giai đoạn 2021-2025 qua các cơ chế phù hợp do ASEAN dẫn dắt, hoan nghênh đề xuất của Hàn Quốc thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Hàn Quốc vào năm 2024.
Hai bên cũng nhất trí đóng góp củng cố cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm, cởi mở, bao trùm, minh bạch và đề cao luật pháp quốc tế, qua đó thúc đẩy đối thoại, hợp tác, lòng tin và tin cậy lẫn nhau, giải quyết các thách thức và nắm bắt cơ hội từ môi trường khu vực và toàn cầu hiện nay cũng như trong tương lai.
Hai bên ủng hộ các nguyên tắc tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, cởi mở, minh bạch, bao trùm, khuôn khổ dựa trên luật lệ, quản trị tốt, tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, mang tính bổ sung với các khuôn khổ hợp tác hiện có, bình đẳng, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi và tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các hiệp ước và công ước khác có liên quan.
Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác ASEAN-Hàn Quốc trong 4 lĩnh vực ưu tiên thuộc Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
[Thủ tướng dự các hội nghị ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản]
Cụ thể, hợp tác hàng hải bao gồm các nội dung đối thoại chính sách, an toàn và an ninh hàng hải, tăng cường thực thi pháp luật hàng hải, kết nối hàng hải, bảo tồn và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học, thương mại hàng hải, quản lý tài nguyên biển bền vững… phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Về kết nối, hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bao gồm tài chính bền vững và sáng tạo để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, giao lưu thanh niên và nhân dân các nước, xây dựng thành phố thông minh và bền vững, kết nối kỹ thuật số, chuỗi cung ứng mở, an toàn và linh hoạt.
Trong lĩnh vực phát triển bền vững, ASEAN và Hàn Quốc tăng cường hợp tác về sức khỏe cộng đồng, môi trường và biến đổi khí hậu, bảo tồn và phục hồi rừng, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, việc làm, phát triển lực lượng lao động và nguồn nhân lực, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng, an toàn lao động và y tế, phúc lợi và phát triển xã hội, phát triển nông thôn, quản trị tốt, chuyển đổi và đổi mới kỹ thuật số bao trùm, quản lý nước, nông nghiệp thông minh, chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững.
Hợp tác kinh tế và các lĩnh vực tiềm năng khác bao gồm triển khai Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thuận lợi hóa thương mại, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, khoa học, công nghệ và đổi mới, kinh tế xanh và kỹ thuật số, chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các tội phạm xuyên quốc gia khác, an ninh mạng, quản lý thảm họa và hỗ trợ nhân đạo, hợp tác tiểu vùng nhằm hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN./.