ASEAN và Canada tăng cường hợp tác đảm bảo an ninh lương thực
ASEAN và Canada tái khẳng định tăng cường hợp tác về an ninh lương thực và dinh dưỡng, thông qua việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 6/9, kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN-Canada tại Jakarta (Indonesia), hai bên đã ra Tuyên bố Chung về tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng.
Theo Tuyên bố Chung, hai bên cam kết duy trì và hỗ trợ ASEAN với tư cách là trung tâm tăng trưởng toàn cầu; tăng cường các nỗ lực phối hợp trong việc duy trì nguồn cung trong chuỗi cung ứng thương mại lương thực bất chấp sự gián đoạn.
ASEAN và Canada tái khẳng định tăng cường hợp tác về an ninh lương thực và dinh dưỡng, thông qua việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hai bên cam kết hợp tác thúc đẩy hành động để tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng nhằm ứng phó với khủng hoảng, đảm bảo thương mại và lưu thông nông sản không bị cản trở, giải quyết các điểm nghẽn trước mắt về cung ứng các sản phẩm đầu vào thiết yếu cho nông nghiệp như hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu...
[Canada triển khai dại diện thương mại tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]
ASEAN và Canada nhất trí tăng cường hợp tác nhằm gia tăng khả năng sẵn sàng của khu vực để phục hồi và phát triển bền vững các hệ thống nông sản thực phẩm, phù hợp với Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về tăng cường an ninh lương thực và dinh dưỡng để ứng phó với khủng hoảng.
Hai bên cũng cam kết nỗ lực hơn nữa nhằm loại bỏ các rào cản gây cản trở, trì hoãn hoặc từ chối tiếp cận nguồn cung phân bón, thông qua đầu tư trực tiếp vào các nhà máy sản xuất phân bón trong khu vực, thúc đẩy ứng dụng quản lý và sử dụng bền vững phân bón, phát triển và áp dụng các công nghệ tiên tiến và thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu.
Cuối cùng, ASEAN và Hàn Quốc nhất trí thúc đẩy các nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách giới và trao quyền cho phụ nữ trong các hệ thống nông nghiệp và lương thực, trong đó có việc hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ tài chính và tư vấn, công nghệ kỹ thuật số và thị trường, từ đó tăng thêm lợi ích cho gia đình và cộng đồng của họ./.