"Loạt bài ‘tuồn lậu thú rừng’ của VietnamPlus đánh thức trách nhiệm độc giả"
Loạt bài “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” đã “đánh thức” độc giả về trách nhiệm và nhận thức trước một hoạt động đang đứng thứ tư trên thế giới về lợi nhuận.
Đánh giá cao nội dung loạt bài phóng sự điều tra “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” vừa được Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải, Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh “chuỗi bài phóng sự kỳ công này thực sự thu hút người xem, cảnh báo một thực trạng không chỉ cho người tiêu dùng, kẻ buôn lậu, mà còn cả các cơ quan quản lý.”
“Đánh thức” người tiêu dùng
Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus chiều 14/11, ông Tùng cho hay loạt bài “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” rất ấn tượng cả về thông tin và hình ảnh đã “đánh thức” độc giả về trách nhiệm và nhận thức trước một hoạt động đang đứng thứ tư trên thế giới về lợi nhuận (sau buôn người, ma túy và vũ khí).
“Chúng tôi cảm ơn Báo Điện tử VietnamPlus với loạt bài điều tra rất ‘nóng’ này. Loạt bài đã cho thấy bức tranh khá hoàn chỉnh về việc tuồn lậu, những hình thức và thủ đoạn hết sức tinh vi của việc buôn bán động vật hoang dã từ bên kia biên giới vào Việt Nam cũng như những hạn chế còn tồn tại trong xử lý vi phạm,” ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Tùng cũng lưu ý trước đây, khi nói về vấn đề buôn bán động vật hoang dã, đa số các bài báo chỉ đi theo vụ việc mỗi khi đâu đó bắt được vụ vi phạm và ít có sự dấn thân của người viết để cho bạn đọc hiểu rõ cả một hành trình từ tuồn lậu đến tiêu dùng kèm với những rủi ro, hệ lụy về pháp lý và sức khỏe.
Vì thế, theo ông Tùng, những bức ảnh về nồi nấu cao hổ hay hành trình của thịt thú rừng mà nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã ghi nhận, phản ánh, chắc chắn khiến “người văn minh” muốn thể hiện thú vui hay đẳng cấp qua tiêu dùng “hàng độc lạ” cũng cần suy nghĩ lại xem nên chọn thế nào.
“Chuỗi bài này thực sự thu hút và hữu ích cảnh báo một thực trạng không chỉ cho người tiêu dùng, kẻ buôn lậu mà còn cả các cơ quan quản lý. Chúng tôi đánh giá rất cao về ý tưởng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung lẫn phương pháp, quá trình tác nghiệp chuyên nghiệp; nhất là sự hy sinh, bất chấp những nguy hiểm, rủi ro kể cả trong khi thực hiện và những tác động tiêu cực, áp lực cho cá nhân sau khi phóng sự được đăng của các phóng viên,” ông Tùng chia sẻ.
Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp cũng thẳng thắn cho hay là người theo dõi về lĩnh vực này trong nhiều năm, song với ông Tùng, đây là lần đầu tiên ông thấy có những thông tin nhạy cảm, đầy đủ và thẳng thắn được công khai, trong đó có cả những thông tin liên quan tới nguồn gốc hàng hoá tại nước ngoài, đường dây mua bán, vận chuyển qua biên giới để đưa vào Việt Nam.
“Qua những phản ảnh này, các tổ chức quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao loạt phóng sự, thậm chí còn cho rằng ngang tầm với những tác phẩm đoạt giải Pulitzer. Trên cơ sở đó, sẽ có những phối hợp, hỗ trợ để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong việc đấu tranh với tình trạng buôn bán, vận chuyển quan biên giới các loài động vật hoang dã,” ông Tùng nhấn mạnh.
Thúc đẩy các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã
Đề cập thêm về khía cạnh chính sách, cũng như công tác quản lý, ông Đỗ Quang Tùng cho hay mặc dù Việt Nam đã có khá đầy đủ các quy định pháp lý liên quan tới vấn đề bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã. Điều này đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, giữa các quy định cũng đã cho thấy có những chồng chéo, bất cập kể từ bước phát hiện, bắt giữ vụ việc vi phạm đến xử lý tang vật, xử lý hành vi vi phạm.
“Những bất cập trên đã được các cơ quan thực thi pháp luật nhận diện và đang trong quá trình cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Do vậy để thực thi có hiệu quả, trước mắt cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và quy định pháp luật về lĩnh vực này một cánh đồng bộ và khả thi,” ông Tùng nói.
Dẫn chứng thêm, ông Tùng cho biết gần đây nhất, ngày 17/8/2023, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 61-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó có nhấn mạnh tới công tác đấu tranh với nạn buôn bán, vận chuyển, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật.
Kết luận trên cũng chỉ ra những hạn chế trong thời gian vừa qua là do chưa nhận thức được tầm quan trọng của rừng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ.
“Có thể nói, Kết luận số 61-KL/TW là văn bản chỉ đạo cao nhất của Đảng về lĩnh vực này. Do vậy, trước mắt các ngành, các cấp cần tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chỉ đạo này,” ông Tùng nêu quan điểm.
Về phần mình, ông Tùng nhấn mạnh với chức năng được giao, trong thời gian tới, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp sẽ tích cực vận động, phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài để tạo nguồn lực hỗ trợ cho công tác đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái pháp luật các loài hoang dã.
Trong đó, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp sẽ tập trung vào việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, thúc đẩy các hoạt động thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp; giảm nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã tại Việt Nam; tăng cường hợp tác liên biên giới với các nước có nguồn gốc động vật hoang dã, nước trung chuyển, nước tiêu thụ và các tổ chức quốc tế.
“Cùng với nỗ lực của các bên có liên quan, chúng tôi tin rằng sự chung tay của báo chí truyền thông, đặc biệt là những phóng sự như Báo Điện tử VietnamPlus vừa đăng tải, sẽ góp phần rất lớn vào việc giải quyết được gốc rễ vấn đề với khởi đầu từ nhận thức của mỗi lãnh đạo, mỗi người dân,” ông Tùng nhấn mạnh./.