8 cộng đồng kéo co Việt Nam-Hàn Quốc cùng thực hành di sản tại Hà Nội
Liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (Hàn Quốc).
Liên hoan Trình diễn Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Nghi lễ và trò chơi kéo co năm 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 17-18/11 quy tụ 8 cộng đồng thực hành kéo co tại Việt Nam và Hàn Quốc.
Đây là lần đầu tiên Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và quận Long Biên tổ chức sự kiện này nhằm tăng cường kết nối và trao đổi giữa các cộng đồng thực hành Di sản Nghi lễ và trò chơi kéo co tại Việt Nam và các quốc gia có di sản được UNESCO ghi danh.
Liên hoan có sự tham gia của gần 500 nghệ nhân và người thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Lào Cai, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội và thành phố Dangjin (Chungcheongnam, Hàn Quốc).
Ngày 17/11, tọa đàm về giáo dục di sản kéo co sẽ được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, với sự tham gia của hơn 50 đại biểu đến từ Hội kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc), các bảo tàng, di tích và trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tọa đàm nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục di sản văn hóa phi vật thể nói chung và nghi lễ và trò chơi kéo co nói riêng.
Tại sự kiện, Bảo tàng Kéo co Gijisi sẽ trao tặng Hộp giáo dục kéo co cho Bảo tàng Hà Nội, trình diễn di sản nghi lễ và trò chơi kéo co Gijisi của Hàn Quốc và tổ chức hoạt động trải nghiệm dành cho công chúng, học sinh sinh viên.
Cùng ngày 17/11, triển lãm “Chung một sợi dây” trưng bày bài viết và hình ảnh giới thiệu giá trị, ý nghĩa và hình thức Nghi lễ và trò chơi kéo co tại bốn nước (Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam) sẽ được tổ chức tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên.
Ngày 18/11, tọa đàm quốc tế "Bảo vệ và phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại" cũng diễn ra tại đền Trấn Vũ. Cùng ngày, công chúng sẽ được chứng kiến màn thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co với sự tham gia của Hội Kéo co Gijisi (thành phố Dangjin, Hàn Quốc) và 7 cộng đồng kéo co tại Việt Nam, gồm: Kéo co ngồi ở đền Trấn Vũ (quận Long Biên, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Xuân Lai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội); Kéo mỏ ở thôn Ngải Khê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội); Kéo co ở thôn Hữu Chấp (Bắc Ninh); Kéo song ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc); Kéo co ở thôn Hòa Loan (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) và kéo co của cộng đồng người Tày (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai).
Ông Ngô Quang Khải, đại diện cộng đồng kéo co ngồi đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản, đặc biệt là việc tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống quê hương. Hàng năm, có khoảng 12.000 học sinh đến tham quan đền và tìm hiểu về kéo co ngồi. Chính quyền địa phương rất quan tâm và hiện đang hỗ trợ xây dựng nhà truyền thống để trình chiếu những hình ảnh và phim tài liệu giới thiệu di sản.”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết nghi lễ kéo co tồn tại ở khắp cả nước, không chỉ trong cộng đồng người Kinh mà còn trong các dân tộc như Tày, Dáy, mỗi nơi có một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa.
Theo đó, kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao mà còn là một nghi lễ gắn kết với lịch sử.
“Khi được UNESCO vinh danh thì di sản này không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam mà còn là một phần của di sản thế giới, do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này,” ông Trụ khẳng định.
Năm 2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam và được tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việt Nam có bốn địa phương, gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản được ghi danh./.