Không gian văn hóa Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột đìu hiu, vắng bóng du khách
Từng là niềm tự hào của người dân Cao nguyên Đắk Lắk nhưng sau dịch COVID-19, Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột rơi vào tình trạng đìu hiu, bộc lộ những hạn chế trong quản lý và vận hành.
Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột được tỉnh Đắk Lắk đưa hoạt động từ tháng 3/2019 nhằm tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hóa ngay tại trung tâm thành phố, góp phần quảng bá văn hóa đọc, văn hóa cà phê và văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, phát triển du lịch.
Tuy nhiên, không như kỳ vọng ban đầu, Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột đang rơi vào tình trạng đìu hiu, bộc lộ những hạn chế trong quản lý và vận hành.
Hoạt động trầm lắng
Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian đầu đưa vào khai thác, các hoạt động tại Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột diễn ra đa dạng, trở thành điểm thu hút người dân và du khách, trung bình mỗi ngày đón 400-600 lượt khách.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19 các hoạt động dần hạn chế và lượng khách ngày càng ít, ngay cả khi các hoạt động trở lại bình thường. Đặc biệt, thời gian gần đây, Đường sách khá trầm lắng, một số gian hàng càphê, sách cũng ngừng hoạt động, trong tổng số 14 gian hàng chỉ còn dưới 10 gian hàng. Người dân và du khách cũng ít tìm đến địa điểm này so với giai đoạn mới vận hành.
Phóng viên ghi nhận các ngày cuối tuần, lượng người đến Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột rất thưa thớt. Nhiều gian hàng đóng cửa, cơ sở vật chất xuống cấp, không được cải tạo…càng khiến không gian Đường sách không thể hút khách.
Chị Nguyễn Thị Tuyền, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ chứng kiến thực trạng đang diễn ra tại Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột rất tiếc và vô cùng lãng phí.
Đường sách được đầu tư bài bản, kết hợp cả không gian văn hóa sách và càphê cùng những hình ảnh về văn hóa, con người, đời sống của các dân tộc bản địa.
Địa điểm này từng là niềm tự hào của người dân Cao nguyên Đắk Lắk để giới thiệu đến bạn bè, người thân cũng như du khách khi đến Buôn Ma Thuột.
Chị mong muốn các cơ quan liên quan sớm có những thay đổi trong cách vận hành, tổ chức các hoạt động để lấy lại hình ảnh của Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột.
Cùng tâm tư trên, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk Niê Thanh Mai bộc bạch khi Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động, các thành viên trong Hội rất vui mừng vì sẽ có không gian lý tưởng để quảng bá các hoạt động văn học nghệ thuật; là nơi gặp gỡ, giao lưu của văn nghệ sỹ cũng như có những hoạt động liên quan đến sách và càphê, quảng bá văn hóa bản địa.
“Tuy nhiên, gần đây, một số cửa hàng sách và càphê đã đóng cửa. Người dân vẫn mong muốn Đường sách phát huy đúng tinh thần, mục tiêu ban đầu với những chương trình, hoạt động liên quan đến sách và càphê, giới thiệu các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh,” bà Niê Thanh Mai cho hay.
Hướng đến sự đổi mới phù hợp
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lại Đức Đại cho biết với vai trò quản lý nhà nước, Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thường xuyên theo dõi, nắm bắt hoạt động của Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trầm lắng của Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột là do sau COVID-19, các chương trình, sự kiện liên quan đến văn hóa đọc, văn hóa càphê tại Đường sách không được sôi động như trước đây.
Bên cạnh đó, các quán càphê không được đổi mới, nâng cấp kịp thời nên rất khó cạnh tranh với các không gian càphê bên ngoài.
Ngay sau khi nắm bắt thực trạng hoạt động của Đường sách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Công ty vận hành Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột tìm biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả mong muốn.
Theo ông Lại Đức Đại, với nỗ lực khôi phục các hoạt động, đảm bảo tính hiệu quả của Đề án Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột, trước mắt trong những tháng cuối năm, Sở phối hợp với Công ty vận hành tổ chức đa dang các hoạt động như Chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật; trưng bày giới thiệu sách, phục vụ bạn đọc; triển lãm các chuyên đề về văn hóa truyền thống…
Sở sẽ tổ chức sơ kết 5 năm để đánh giá lại hoạt động của Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột để phân tích kỹ lưỡng tính hiệu quả cùng những hạn chế, tồn tại, từ đó đề xuất, tham mưa Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh những nội dung còn bất cập trong hoạt động và vận hành Đường sách, hướng đến sự đổi mới phù hợp với thực tế để địa điểm này thật sự trở thành điểm đến trải nghiệm văn hóa càphê, văn hóa đọc.
Bà Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật bày tỏ Hội mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột bằng các hoạt động quảng bá, giới thiệu, trưng bày tác phẩm sách, tranh, ảnh.
Hội sẵn sàng phối hợp với đơn vị quản lý vận hành Đường sách để tổ chức các chương trình, sự kiện liên quan đến sách và càphê nhằm thu hút, đáp ứng nhu cầu tham gia của các tầng lớp nhân dân.
Thông qua các hoạt động, góp phần lan tỏa tình yêu sách, văn học nghệ thuật và văn hóa dân tộc đối với thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh.
Trong khi chờ các giải pháp phát huy tác dụng, sự trầm lắng các hoạt động tại Đường sách Càphê Buôn Ma Thuột hiện tại không chỉ đánh mất tính hiệu quả mà còn là sự lãng phí không gian văn hóa được đầu tư bài bản và đậm chất truyền thống./.