Lãng phí nhiều công trình tiền tỷ tại các di tích lịch sử ở Quảng Trị
Một trong những công trình bị lãng phí là Nhà trưng bày địa đạo Vịnh Mốc, được khởi công từ năm 2013 với mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ đưa vào trưng bày một phần nhỏ.
Nhiều công trình trưng bày bảo tàng, nhà tưởng niệm tại các di tích lịch sử ở Quảng Trị được đầu tư xây dựng bề thế nhưng không phát huy được công năng, gây lãng phí hàng tỷ đồng.
Nằm trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh), công trình Nhà trưng bày địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng bề thế với tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng.
Khởi công từ năm 2013, công trình hoàn thành năm 2018 với thiết kế ba dãy nhà kết nối như một đường hầm trong lòng đất trên diện tích gần 1.100m2.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có một phần nhỏ của dự án này đưa vào trưng bày có tên gọi: Phòng trưng bày bổ sung. Còn lại, toàn bộ tòa nhà lớn hai tầng và dãy nhà một tầng khác vẫn để trống.
Ông Phan Trường Định, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc, cho biết do không có hiện vật để trưng bày, 5 năm qua, công trình Nhà trưng bày vẫn đóng kín cửa. Nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều người vô ý thức phóng uế bừa bãi.
[Quảng Ngãi: Báo động sự xuống cấp của nhiều di tích lịch sử, văn hóa]
Theo quan sát của phóng viên, các cửa của khu nhà trưng bày đều được khóa kín và giằng bằng thanh tre, bên trong nhiều bức tường đã bị xuống cấp, ố vàng, phủ đầy rêu mốc, trần tầng 2 bị thấm dột, bong tróc. Bên ngoài tòa nhà, cỏ dại phủ đầy. Một số người vô ý thức đã dùng sơn đen viết, vẽ bậy lên các bức tường với những lời lẽ rất phản cảm.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, cho biết Nhà trưng bày địa đạo Vịnh Mốc do Trung tâm làm chủ đầu tư, nguồn vốn xây dựng từ ngân sách Nhà nước.
Mục tiêu của dự án là nâng cao giá trị Khu Di tích Quốc gia đặc biệt, phục vụ tốt hơn cho du khách đến tham quan, tìm hiểu hệ thống địa đạo Vĩnh Mốc.
Thế nhưng, dự án chỉ được đầu tư xây dựng cơ bản, phần sưu tầm, trưng bày hiện vật không được bố trí nguồn vốn. Vì vậy, đến nay, công trình chưa phát huy được công năng như mục tiêu đề ra ban đầu.
Ông Nguyễn Quang Chức cho hay việc sưu tầm hiện vật, đặc biệt là việc thiết kế không gian trưng bày đòi hỏi khá kỳ công. Để đảm bảo Nhà trưng bày có hiện vật, có không gian trưng bày cần một nguồn vốn khá lớn tương đương việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, để công trình hoạt động phải sưu tầm hiện vật, thiết kế lại gần như toàn bộ bên trong tòa nhà mới có không gian trưng bày.
Vừa qua, Trung tâm mới đầu tư được Phòng trưng bày bổ sung ở địa đạo Vịnh Mốc với kinh phí 500 triệu đồng tại một dãy nhà ở góc nhỏ trong dự án. Tuy nhiên, việc này chỉ mang tính chất tạm thời. Phần lớn diện tích Nhà trưng bày không đưa vào hoạt động, để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài công trình trên, Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị còn làm chủ đầu tư hạng mục Nhà tưởng niệm thuộc công trình bảo tồn, phục dựng và tôn tạo di tích nhà tù Lao Bảo (Di tích Lịch sử cấp Quốc gia Nhà tù Lao Bảo, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa).
Công trình này có quy mô hai tầng, với tổng mức đầu tư 6,3 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách 3,3 tỷ đồng và vốn xã hội hóa 3 tỷ đồng. Công trình hoàn thành vào năm 2017 với diện tích hơn 220 m2. Trong đó, tầng 2 công trình được thiết kế xây dựng với ý tưởng là khu vực trưng bày các hiện vật, hình ảnh và khắc tên tưởng niệm, thờ vọng các chiến sỹ cộng sản, nhà yêu nước.
Tuy nhiên, do không có nguồn vốn bố trí để thực hiện, toàn bộ tầng 2 của công trình này vẫn để trống nhiều năm qua, gây lãng phí và có nguy cơ xuống cấp, hư hỏng./.