Quần đảo Trường Sa trong trái tim người Việt Nam năm châu
Chương trình kiều bào ra thăm Trường Sa từ lâu đã trở thành một hoạt động được bà con mong đợi, thu hút sự quan tâm tham gia và hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Với 530 kiều bào trong 10 hải trình may mắn được đặt chân lên Trường Sa, ngắm biển trời Tổ quốc, những chuyến thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa như một giấc mơ có thật.
Ở đó, những người con mang dòng máu Lạc Hồng từ khắp nơi trên thế giới đã hòa cùng nhịp sóng Trường Sa, hát vang bài ca đoàn kết, khát khao tận hiến cho quê hương, để triệu trái tim Việt cùng hòa chung nhịp đập với biển đảo thân yêu.
Vinh dự được ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 cùng đoàn kiều bào và Đoàn công tác số 4, trong hải trình thứ 10 trên con tàu 571, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi chép lại những câu chuyện về hành trình lịch sử đưa kiều bào xa Tổ quốc về với biển đảo quê hương.
Bài 1: Hành trình lịch sử đưa kiều bào xa Tổ quốc về với biển đảo quê hương
Một buổi sáng tháng Năm nắng vàng rực rỡ trên quân cảng Cam Ranh. Từng hồi còi tàu vang dài... Tàu 571 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 chia tay đất liền để đưa kiều bào và Đoàn công tác số 4 năm 2023 ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Tàu 571 - con tàu đưa đoàn kiều bào lần đầu tiên đến với Trường Sa năm 2012, một lần nữa, ở hải trình thứ 10 này, lại mang theo những mong nhớ đầy vơi, nghĩa tình son sắt của 47 kiều bào ở 22 quốc gia, đại diện cho hơn 5,3 triệu kiều bào xa Tổ quốc về với biển đảo quê hương.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, là người đưa ra ý tưởng đưa kiều bào xa Tổ quốc về thăm Trường Sa.
Trên boong tàu số hiệu 571 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 đến với Trường Sa, dõi mắt ra biển xa, Đại sứ nhớ về quãng thời gian hơn 11 năm trước, khi ông và các đồng nghiệp của mình đưa đoàn kiều bào lần đầu tiên ra thăm Trường Sa năm 2012. Kể từ đó, những hành trình tiếp nối hành trình đưa kiều bào về với Trường Sa, “núm ruột” của biển đảo quê hương.
Ý tưởng táo bạo
Hồi tưởng về dấu mốc chuyến tàu đầu tiên đưa kiều bào ra thăm Trường Sa năm 2012, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho biết khi đó việc đưa kiều bào ra thăm Trường Sa là một ý tưởng hết sức táo bạo, chưa từng có tiền lệ.
Là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con xa Tổ quốc, ông luôn trăn trở, làm thế nào để có một ngày được đưa bà con kiều bào ra thăm Trường Sa.
Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhớ lại, tháng 3/2004, Nghị quyết số 36-NQ/TW 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được ban hành đã nêu rõ: “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam."
Điều này có nghĩa, cùng với nhân dân trong nước, kiều bào ta có trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của đất nước. Mong muốn, nguyện vọng lớn nhất của rất nhiều bà con là được một lần đến với Trường Sa, được tận mắt chứng kiến những cột mốc chủ quyền trên biển của Tổ quốc đang hàng ngày hàng giờ được bảo vệ vững chắc bởi các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam.
[Cận cảnh kiều bào xúc động dự lễ chào cờ tại Đảo Trường Sa]
Trước nguyện vọng chính đáng đó, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, đã nghiên cứu, tìm hiểu, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan chức năng phương án đưa kiều bào ra thăm Trường Sa.
Sau nhiều nỗ lực, chuyến tàu đầu tiên đã khởi hành, đưa kiều bào đến với Trường Sa vào năm 2012 và để lại trong lòng Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhiều ấn tượng sâu sắc.
Ông kể: “Đặt chân đến đảo, tôi thấy bà con ngỡ ngàng trước màu xanh của đảo, trước tinh thần quả cảm, sự hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Bà con còn ngỡ ngàng trước sự đón tiếp nồng hậu và tình cảm chân thành từ những cán bộ, chiến sỹ - 'cột mốc sống' của biển đảo quê hương. Có những người khi đặt chân lên đảo, nắm chặt trong tay nhúm cát của quê hương đã bật khóc. Họ khóc vì không nghĩ có ngày được đến nơi đây. Họ khóc cũng vì Hoàng Sa-Trường Sa luôn là núm ruột của quê hương."
Trong ba năm liên tiếp kể từ năm đầu tiên tổ chức cho kiều bào đến thăm Trường Sa (từ 2012-2014), Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn đã đồng hành cùng kiều bào trên những chuyến tàu hướng về biển đảo quê hương. Mỗi năm, ông cùng bà con kiều bào lại nhìn thấy những đổi thay trên quần đảo Trường Sa. Đó là đời sống cán bộ, chiến sỹ ngày càng tốt hơn, đảo ngày càng xanh tươi, trù phú. Duy chỉ có tình cảm nồng hậu, ấm áp của cán bộ, chiến sỹ dành cho bà con kiều bào là chưa bao giờ thay đổi. Chính những tình cảm ấy là sự gắn bó máu thịt, là "chất keo" kết dính giữa đất liền và biển đảo, giữa nhân dân trong nước và bà con ta ở nước ngoài.
Hải trình lần thứ 10 năm 2023 đưa kiều bào đến với Trường Sa là dấu mốc của một hành trình lịch sử, nơi bà con đã cảm nhận được rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong chính sách đối ngoại nói chung, trong sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc nói riêng.
“Chúng ta bảo vệ chủ quyền biển đảo theo hướng hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phồn thịnh và lâu dài; đồng thời, thế giới cũng cần biết rằng, chúng ta đã và đang ngày đêm kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền trên vùng lãnh hải, giữ từng tấc đất, mét biển cho quê hương. Hiểu rõ những điều này, bà con kiều bào ngày càng thêm niềm tin yêu với biển đảo quê hương thân yêu," Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.
Quả đúng như vậy, trong những năm vừa qua, bà con kiều bào khắp nơi trên thế giới luôn là những sứ giả của Trường Sa. Họ đã chủ động đưa thông tin, hình ảnh của Trường Sa ra với thế giới thông qua nhiều kênh truyền thông để bạn bè quốc tế biết về Trường Sa và thêm hiểu công cuộc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Kiều bào luôn hướng về Tổ quốc
Ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn kiều bào, cho biết từ năm 2012 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 10 đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Với ý nghĩa thiết thực, chương trình từ lâu đã trở thành một hoạt động được bà con mong đợi, thu hút sự quan tâm tham gia và hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, đã có khoảng 530 đại biểu kiều bào tại gần 40 quốc gia về nước tham gia đoàn thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Các đại biểu đại diện cho các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Hồi giáo, Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam…; với đa dạng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động và độ tuổi; có người là cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng có người từng mang quan điểm chống đối, cực đoan.
Trong 10 lần trở về quê hương thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ đóng một số xuồng chủ quyền, xây dựng công trình tại các điểm đảo, mua quà tặng, hiện vật và nhu yếu phẩm gửi tặng các điểm đảo, nhà giàn DK1, tổng số tiền khoảng 26,8 tỷ đồng.
Bên cạnh những đóng góp về vật chất, bà con còn tích cực gửi gắm tình cảm thông qua các sáng tác thơ, văn, truyện ngắn, truyện ký… Bà con thành lập các diễn đàn, câu lạc bộ Trường Sa-Hoàng Sa ở nhiều quốc gia; nghiên cứu các biện pháp, sáng chế mới để cải thiện đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo; thường xuyên tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm khẳng định tình yêu đất nước, góp phần tuyên truyền mạnh mẽ đến các thế hệ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
“Việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Các chuyến thăm Trường Sa là dịp kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, gắn kết kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và hòa hợp dân tộc," ông Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh./.