Phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội: Hướng tới sự hài hòa
Chỉ tiêu phát triển kinh tế có liên quan mật thiết đến các chỉ số bảo đảm an sinh xã hội bởi lẽ không thể nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm phúc lợi xã hội dựa trên một nền kinh tế yếu kém.
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn; chăm lo đời sống người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn…
Đạt hệ thống an sinh xã hội đồng bộ
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI với tiêu đề “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” là nền tảng cho việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội trong những năm qua.
Sau gần 37 năm đổi mới, đặc biệt là trong gần 11 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ, nhất là các chính sách về tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người dân; bảo hiểm xã hội bù đắp phần thu nhập bị suy giảm khi đau ốm, tai nạn lao động, tuổi già; trợ giúp xã hội đột xuất và thường xuyên; cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, chính sách ưu đãi đối với người có công...
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022 số hộ nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) trên toàn quốc ở mức 7,52% (gần 1,98 triệu hộ). Ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ để thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867.000 lao động; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng khoảng 13.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp...
Nhóm 10 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006-2021 gồm Lai Châu, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Trị, Quảng Bình, Bắc Kạn, Đắk Nông và Đắk Lắk.
Trong số đó, Lai Châu đứng đầu về giảm số hộ nghèo từ 58,2% năm 2006 xuống còn 27,9% năm 2021; tiếp đó là Hà Tĩnh giảm từ 31,5% xuống 5,9%; Hòa Bình - từ 32,5% xuống 8,2%; Thanh Hóa - từ 27,5% xuống 6,3%; Lào Cai - từ 35,6% xuống 14,8%...
Bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội trở thành mạng lưới an sinh xã hội quan trọng, hỗ trợ người dân vượt qua các rủi ro ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, thất nghiệp, hết tuổi lao động...
Công tác trợ giúp xã hội từng bước chuyển sang hướng lấy con người làm trung tâm. Diện đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội được mở rộng và mức chuẩn trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng lên, tạo điều kiện và cơ hội cho các đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống.
[Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số lĩnh vực an sinh xã hội]
Theo số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tham gia bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2022 có 17,5 triệu người (tương đương 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm tự nguyện có hơn 14,3 triệu người (tương đương 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi); tham gia bảo hiểm y tế có hơn 91,1 triệu người (tương đương 92,03% dân số cả nước).
Ngành bảo hiểm xã hội đã giải quyết hơn 95.000 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; chi trả kịp thời cho hơn 3,3 triệu người thụ hưởng; chi trả hơn 10,9 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; gần 1 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm tự nguyện; 151,4 triệu lượt người được khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.
Tính đến hết ngày 31/12/2022, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 đã nhận 47.200 tỷ đồng, chiếm 54,3% tổng các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao vì đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; cải thiện Chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ số HDI của Việt Nam tăng từ 0,48 vào năm 1990 lên 0,71 vào năm 2020, chuyển từ nhóm trung bình lên nhóm các quốc gia phát triển con người cao, đứng ở vị trí 117/189 nước. Việt Nam cũng xếp thứ hạng cao về chỉ số vốn nhân lực (HCI), chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.
Cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị nhận định việc triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; mang lại những thành tựu to lớn trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hướng tới sự hài hòa bằng nhiều cách thức
Tại cuộc họp ngày 30/3/2023, Bộ Chính trị nhấn mạnh đổi mới và phát triển chính sách xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta với tinh thần tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Đổi mới chính sách xã hội có nhiều nội dung, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội một cách công bằng.
Phát triển an sinh xã hội hài hòa, bền vững phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm quyền của người dân tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội; công bằng và bền vững; gắn trách nhiệm với quyền lợi; có sự chia sẻ, bù đắp giữa các cá nhân, các nhóm trong xã hội và Nhà nước; tăng cường trách nhiệm của các chủ thể quản lý, thúc đẩy các nỗ lực tự an sinh của bản thân người dân và cộng đồng.
Quan điểm đó đã được thể hiện xuyên suốt và rõ nét trong các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết số 15-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đặt ra yêu cầu: chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ.
Quan điểm, đường lối đó đã được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật do Quốc hội ban hành.
Luật Việc làm (năm 2013) mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội được mở rộng, bao phủ các nhóm đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già thông qua Luật Người cao tuổi 2009, Luật Người khuyết tật 2010), Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em sửa đổi năm 2016.
Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (năm 2014) mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hoàn thiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng linh hoạt; hỗ trợ, khuyến khích người lao động nghèo, khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội.
Các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ, các bộ, ngành là nhằm hiện thực hóa vào đời sống những chính sách đổi mới của Đảng trong lĩnh vực an sinh xã hội.
Quan điểm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội còn gắn với việc Việt Nam phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể.
Việc quản lý phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030 được thực hiện theo Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030."
Đáng lưu ý, ngày 27/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu chủ yếu gồm 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường. Trong số này có những chỉ tiêu cơ bản như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; bội chi ngân sách nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số...
Chỉ tiêu phát triển kinh tế có liên quan mật thiết đến các chỉ số bảo đảm an sinh xã hội, bởi lẽ không thể nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm phúc lợi xã hội dựa trên một nền kinh tế yếu kém.
Mặt khác, một nền kinh tế khó có thể tăng trưởng ổn định khi đất nước chưa xây dựng được hệ thống chính sách xã hội mang tính bền vững và phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế.
Trong mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội có việc cải cách tiền lương một cách phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP. Tiền lương gắn liền với đời sống của người lao động và liên quan mật thiết đến lĩnh vực an sinh, công bằng xã hội, sự ổn định chính trị. Tiền lương thụt lùi so với mức tăng trưởng kinh tế kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Còn việc cải cách tiền lương đi quá xa so với năng suất lao động và nguồn thu ngân sách sẽ gây ra lạm phát.
Kinh tế tăng trưởng cũng gắn liền với việc nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện hệ thống y tế, phát triển mạng lưới giáo dục, giảm hộ nghèo, tăng độ bao phủ mạng lưới bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Chủ trương của Đảng về việc tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội được thể hiện rất cụ thể qua Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Trong số 13 nhiệm vụ chủ yếu có việc tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết và bảo đảm an sinh xã hội; phát huy giá trị văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương./.