Kinh tế ban đêm: Đòn bẩy giúp gia tăng giá trị bất động sản

Chuyên gia nhận định kinh tế ban đêm là hướng phát triển tất yếu để đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh, đồng thời bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng hưởng lợi rất lớn từ mô hình này.

Biển Đà Nẵng sáng đèn phục vụ người dân và du khách về đêm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Lợi ích kinh tế khổng lồ và tiềm năng gia tăng giá trị bất động sản vượt trội mà nền kinh tế đêm mang lại khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải tìm hướng phát triển mô hình kinh doanh phù hợp.

Kinh tế đêm được nhiều doanh nghiệp xác định chính là đòn bẩy để gia tăng giá trị bất động sản.

Không riêng các đô thị trung tâm như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nhiều địa phương trong cả nước đang hiện thực hóa quyết tâm bật dậy kinh tế ban đêm như Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết (Bình Thuận), Quảng Ninh…

Lĩnh vực du lịch được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch, kéo dài ngày lưu trú, mức chi tiêu trung bình và sự hài lòng của du khách...

Khảo sát của Ernst & Young cho thấy ngành công nghiệp về đêm đóng góp cho nước Anh khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm.

Ernst & Young ước tính khu vực kinh tế ban đêm của London có thể mang về gần 30 tỷ bảng mỗi năm vào đầu năm 2030, cao hơn 15% so với hiện nay.

Ernst & Young dẫn chứng gần với Việt Nam hơn, Thái Lan cũng dự báo việc kéo dài thời gian hoạt động tại các cơ sở giải trí sẽ tăng 25% chi tiêu của du khách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo tính toán của Bộ Du lịch và Thể thao nước này.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhận định kinh tế ban đêm là hướng phát triển tất yếu để đưa du lịch Việt Nam phát triển mạnh, đồng thời bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng hưởng lợi rất lớn từ mô hình này. Đây cũng chính là con đường tất yếu đưa bất động sản nghỉ dưỡng “lên hương."

[Kinh tế ban đêm: Tạo đòn bẩy cho ngành du lịch phát triển]

Trong khi ở nhiều “cường quốc du lịch,” kinh tế ban đêm mang lại giá trị lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm, giá trị thặng dư và thu hút ngoại tệ thì ở Việt Nam, dù lượng du khách quốc tế tăng đều hằng năm nhưng doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách còn thấp so các nước trong khu vực, ông Ánh nhận xét.

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), trung bình du khách đến Việt Nam chi 96 USD/ngày, trong khi Thái Lan là 163 USD/ngày và Singapore là 325 USD/ngày mà một phần là do Việt Nam gần như chưa khai thác kinh tế ban đêm.

Tại Hà Nội, những năm gần đây, khi hình thành tuyến phố đi bộ vào cuối tuần liên thông với khu phố cổ thì khu vực này khá đông đúc, nhưng các hoạt động tại đây chỉ diễn ra tới nửa đêm.

Ngay tại thủ phủ du lịch miền Trung là Đà Nẵng thì hầu hết hàng quán, khu vui chơi, chợ đêm đều đóng cửa từ khoảng 22 giờ.

Đến Thành phố Hồ Chí Minh, vào ban đêm, du khách chỉ ăn tối, xem biểu diễn nghệ thuật, đi quán bar…

Do đó, những mô hình mới lạ và mang tính tiện ích phục vụ đại chúng giải trí, thư giãn vào ban đêm được xác định là cần thiết và sẽ trở thành một mũi nhọn kinh tế đêm.

Điều này đã được chứng minh với mô hình phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm của Thủ đô Hà Nội hay đường Nguyễn Huệ, phố Bùi Viện của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thành công của mô hình này được minh chứng bằng sự thăng hạng của bất động sản tại khu vực này.

Giá đất tại đường Nguyễn Huệ và khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm nhiều năm qua không dưới một tỷ đồng cho mỗi mét vuông. Mức giá tại đường Bùi Viện cũng rục rịch xoay quanh mốc một tỷ đồng… Kinh tế đêm đã thực sự trở thành đòn bẩy giúp gia tăng giá trị bất động sản.

Các chuyên gia nhận xét chính sự thành công này đã thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh lập đề án quy hoạch 22 đường ở trung tâm thành phố đi bộ trong những năm tới, giúp hạn chế xe vào nội đô, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế đêm.

Tương tự, trong kế hoạch phát triển giai đoạn tới, thành phố Hà Nội cũng sẽ phát triển mô hình kinh tế ban đêm và mở thêm các tuyến phố đi bộ…

Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản tại những thành phố thu hút đông khách du lịch cũng nhận thấy tiềm năng này và chủ động đón đầu kinh tế đêm.

Bức tranh kinh tế đêm nhiều màu sắc giúp sẽ hai đầu tàu thu hút dòng vốn đầu tư khủng, nâng hạng các ngành thương mại - dịch vụ và tạo đà tăng trưởng bền vững cho bất động sản.

Chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách.

Tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, hiện đã có doanh nghiệp bất động sản rót hàng nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế ban đêm với những tổ hợp dự án có thể hấp dẫn khách du lịch suốt 24/7 ngày và 365 ngày/năm.

Trong nỗ lực đưa Vân Đồn trở thành Khu kinh tế đặc biệt trong tương lai, việc đầu tư cho hạ tầng du lịch, với những điểm nhấn là các tổ hợp nghỉ dưỡng đa chức năng, quy mô và đẳng cấp quốc tế, một “trung tâm công nghiệp giải trí có casino” được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội bùng nổ cho thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế du lịch của Vân Đồn trong tương lai không xa.

Nói về xu thế này, ông Phùng Văn Năn,  Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Tập đoàn Hưng Lộc Phát, cho rằng kinh tế ban đêm tác động rất lớn đến thị trường bất động sản du lịch khi nó giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày của khách du lịch, tạo cơ hội phát triển loại hình giải trí, trung tâm mua sắm, ẩm thực, giải trí, cách hoạt động vui chơi.

Tuy nhiên, chính doanh nghiệp phát triển bất động sản du lịch là người đang tạo ra “cuộc chơi” từ hệ sinh thái, tiện ích để đáp ứng nhu cầu khách hàng đến các lễ hội, sự kiện, thu hút tất cả các khách tới tham dự./.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)