60 năm quan hệ Việt Nam-Lào: Sứ mệnh hợp tác và phát triển
Khi đại dịch được khống chế, các cửa khẩu và chợ biên giới hai nước lần lượt hoạt động lại; sự nhộn nhịp nơi biên giới những tháng qua cho thấy tiềm năng kinh tế rất lớn giữa hai quốc gia.
Dịch COVID-19 bùng phát cùng những biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã cản trở dòng hàng hóa thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Lào.
Khi đại dịch được khống chế, các cửa khẩu và chợ biên giới hai nước đã lần lượt hoạt động lại. Sự nhộn nhịp nơi biên giới những tháng qua cho thấy tiềm năng kinh tế rất lớn giữa hai quốc gia.
Nhưng để tiềm năng đó “thức giấc” tương xứng với quan hệ hữu nghị hiếm có giữa hai dân tộc, đáp ứng kỳ vọng cùng nhau phát triển của nhân dân Việt Nam-Lào là sứ mệnh của hai nước.
Sau “giấc ngủ” dài
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, sáng cuối tháng Tám này, lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan tất bật hướng dẫn, phân luồng cho những chiếc xe container nối dài, ắp đầy hàng hóa. Tiếng máy, còi xe rộn ràng trên làn đường dành cho phương tiện làm thủ tục xuất khẩu, sẵn sàng hành trình đến Savannakhet (Lào) hay Mukdahan (Thái Lan). Phía đối diện, những chiếc xe container cũng lần lượt rời Cửa khẩu Quốc tế Densavan (Savannakhet, Lào), hướng về Lao Bảo ra Đường 9, đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1.
Kham Suck Saynhavong, đại diện doanh nghiệp Tholovongsa ở tỉnh Savannakhet đang mở tờ khai hải quan cho lô hàng qua Lao Bảo đi Đà Nẵng. Nói rành rọt tiếng Việt, Kham Suck Saynhavong cho biết lô hàng của anh là giấy và bột giấy. Từ năm 2018 đến nay, anh mở cả nghìn tờ khai hải quan mỗi năm.
Ngoài giấy và bột giấy, các mặt hàng xuất khẩu sang Việt Nam hoặc quá cảnh đi nước thứ 3 chủ yếu là nông sản, trái cây. Với Kham Suck, cửa khẩu hoạt động trở lại sẽ giúp các doanh nghiệp ở sâu trong nội địa Lào thoát khỏi tình trạng khó khăn sau hai năm gần như “nghẽn” do dịch COVID-19. Có thêm những cơ hội thuận lợi, thêm đơn hàng mới nên anh rất vui mừng.
“Ở Lao Bảo, Bộ đội Biên phòng và Hải quan Việt Nam làm thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, đúng quy định nên tôi rất yên tâm,” Kham Suck Saynhavong chia sẻ.
[60 năm quan hệ Việt-Lào: Lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi Điện mừng]
Đứng gần đại diện doanh nghiệp Lào, anh Trần Thanh Phong, đại diện Công ty Cổ phần vận tải SAFI tại Đà Nẵng cũng đang hoàn tất nhập tờ khai hải quan. Anh Phong cho hay xe container chở hàng hóa lên Lao Bảo từ rạng sáng. Làm xong thủ tục thông quan, lô hàng sẽ được xuất khẩu sang Savannakhet cho đối tác rồi vận chuyển hàng hóa ngược lại. “Hàng hóa sang Lào chủ yếu là linh kiện máy tính, mô tô; săm, lốp ôtô, cùng hạt tiêu, giày dép, bánh kẹo, càphê. Còn hàng hóa nhập về Việt Nam chủ yếu là rau, củ, quả…,” anh Trần Thanh Phong nói.
Nhìn dòng người và phương tiện tấp nập qua, lại cửa khẩu, Trung tá Nguyễn Xuân Hiện, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho biết: Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu ở đây giảm so với những năm trước. Nhưng nay, hoạt động này đã từng bước phục hồi.
“Tuyến đường vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh qua Lao Bảo rất đa dạng. Hàng hóa từ các tỉnh, thành phố trong nước vận chuyển sang Lào, Thái Lan. Ngược lại, những mặt hàng từ Thái Lan, Lào về các tỉnh, thành phố trong nước qua cửa khẩu này ngày một nhiều,” Trung tá Nguyễn Xuân Hiện cho biết.
Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, ông Lê Anh Tuấn cũng cho hay các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới ở cửa khẩu chủ yếu là hàng bách hóa tổng hợp, nông sản. Còn hàng quá cảnh gồm bột giấy, hàng dệt may, điện thoại, linh kiện và sản phẩm điện tử khác...
Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 72.000 phương tiện xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu trên 5.400 tờ, tổng trọng lượng hàng hóa trên 540.000 tấn và kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt trên 250 triệu USD, hàng hóa quá cảnh trên 2,1 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước gần 200 tỷ đồng.
Đánh thức tiềm năng
Tận mắt chứng kiến cảnh nhộn nhịp ở Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo-Cửa khẩu Quốc tế Densavan, có thể hình dung tiềm năng thương mại, sức sống của Khu Kinh tế-Thương mại đặc biệt Lao Bảo. Là khu kinh tế rất được kỳ vọng và thực tế, Lao Bảo đã đáp ứng, đảm nhiệm vai trò điểm nút trong chuỗi cung ứng trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Nếu có thêm các chính sách đặc thù, nổi trội để kích thích thương mại và đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như thu hút nhà đầu tư để chủ động tạo ra nguồn hàng tại chỗ thì Lao Bảo sẽ phát huy hết tiềm năng và công năng.
Chia sẻ việc này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết Quảng Trị và hai tỉnh Salavan, Savannakhet đang lập các tổ công tác nhằm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hai nước cho những cơ chế đặc thù để có thêm điều kiện phát triển. Đó là lập các khu thương mại xuyên biên giới giữa Lao Bảo với Densavan; khu kinh tế cửa khẩu mở giữa La Lay của Quảng Trị và La Lay thuộc Salavan. Đây chính là những dư địa, tiềm năng để phát huy trong thời gian tới.
“Nếu Chính phủ của hai nước đồng thuận, cho những cơ chế đặc biệt thì tôi tin tưởng Quảng Trị, Savannakhet và Salavan sẽ bứt phá, tạo được cú huých phát huy lợi thế ở đầu cầu Hành lang kinh tế Đông-Tây; xóa đói, giảm nghèo cho người dân và giữ vững an ninh biên giới, quốc gia của mỗi nước,” ông Hà Sỹ Đồng khẳng định.
Không chỉ ở Quảng Trị với Savannakhet và Salavan. Biên giới Việt Nam-Lào kéo dài hơn 2.300km qua 10 tỉnh của Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào. Dọc tuyến biên giới chung có hàng chục cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu và chợ biên giới. Hợp tác thương mại, kinh tế giữa các địa phương này được đánh giá còn nhiều dư địa, tiềm năng và thuận lợi để phát triển. Điển hình như Sơn La - trung tâm sản xuất, chế biến rau, quả lớn nhất vùng Tây Bắc - đang hợp tác hiệu quả với 9 tỉnh của Lào về nông nghiệp. Sơn La cũng có nhiều dự án hợp tác với bạn trong phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, quốc phòng an ninh.
Chia sẻ về triển vọng hợp tác kinh tế, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La cho hay trong định hướng hợp tác với các tỉnh Bắc Lào, Sơn La đã báo cáo Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng quy hoạch nâng cấp Cửa khẩu Quốc tế Lóng Sập ở huyện Mộc Châu nhằm tạo thêm cơ hội mới, đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế du lịch. Sơn La cũng ưu tiên kết nối giao thương những sản phẩm mà tỉnh và phía bạn có thế mạnh.
Thực tế đã cho thấy hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, nhất là những năm gần đây khi hai nước có những thỏa thuận chiến lược. Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nhà đầu tư hàng đầu vào Lào. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 đạt 1,37 tỷ USD, tăng gần một phần ba so với năm 2020 và cao nhất trong 10 năm gần đây.
Đặc biệt, để tương xứng với quan hệ hữu nghị hiếm có, đáp ứng kỳ vọng cùng nhau phát triển của hai dân tộc, Việt Nam đã giúp Lào mở đường ra biển. Các cảng biển Việt Nam nằm trên trục chính kết nối với Lào như Vũng Áng, Tiên Sa, Cửa Lò đều ưu tiên cho nước bạn sử dụng, giúp hàng hóa của Lào xuất, nhập khẩu thuận lợi. Chính phủ Việt Nam chủ trương tạo thuận lợi cho hàng hóa của Lào đi qua bất cứ cảng biển nào của Việt Nam để tới các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia.
Chia sẻ về hợp tác từ địa phương đến Trung ương giữa hai nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã nhấn mạnh quan hệ hợp tác Lào-Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trên mọi lĩnh vực. Khi nhìn vào lĩnh vực kinh tế, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, Việt Nam là đối tác thương mại lớn và đối tác đầu tư lớn thứ ba tại Lào.
Việt Nam còn tiếp nhận rất nhiều học sinh, sinh viên Lào sang đào tạo; riêng 10 năm qua đã có hơn 50.000 người. Các sinh viên sau khi được đào tạo tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Lào. Hiện khoảng 14.000 sinh viên Lào đang nghiên cứu, học tập tại Việt Nam.
“Điều này thể hiện quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước, là yếu tố quan trọng cho thấy tính chất đặc biệt của mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào” ông Saleumxay Kommasith khẳng định./.