G20 đồng thuận thúc đẩy kinh tế số nhằm phục hồi hậu đại dịch

Các đại biểu G20 nhất trí về tầm quan trọng của bảo mật kỹ thuật số trong việc đảm bảo tính bền vững của doanh nghiệp và hoan nghênh các sáng kiến như Hội chợ chuyển đổi kỹ thuật số G20...

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nusa Dua (Indonesia), ngày 15/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/9, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Johnny G. Plate cho biết Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thông qua tài liệu đồng thuận mang tên “Bản tóm tắt của chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số G20 năm 2022.”

Phát biểu họp báo tại Bali (Indonesia), Bộ trưởng Plate cho biết: “Tài liệu cho thấy rằng trong tất cả các nội dung quan trọng, Chủ tịch đoàn Indonesia đã nhận được đồng thuận từ tất cả các thành viên Nhóm công tác kinh tế kỹ thuật số G20 (DEWG) về các vấn đề ưu tiên.”

Theo ông Plate, tài liệu tóm tắt tất cả các ý tưởng, khuyến nghị và động lực đã được trình bày tại các cuộc họp của DEWG trong sáu tháng qua. Tài liệu tóm tắt đã được công bố trước các Bộ trưởng phụ trách kinh tế kỹ thuật số của các nước thành viên G20 trong lễ bế mạc DEMM vào chiều 1/9.

Ông Plate cho hay: “Các nỗ lực cụ thể nhằm phát triển lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số được nêu trong tài liệu DEWG sẽ được trình lên Tổng thống Indonesia Joko Widodo để đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.”

Tài liệu được chia làm hai phần và gồm các thỏa thuận thực chất mà các thành viên DEWG đã đạt được về ba vấn đề ưu tiên của G20. Ưu tiên thứ nhất là vấn đề kết nối và hồi phục hậu COVID-19, theo đó các đại biểu đã nhất trí rằng nỗ lực tăng cường kết nối kỹ thuật số phải lấy con người làm trung tâm.

[G20 cam kết cùng nhau phục hồi lĩnh vực giáo dục toàn cầu]

Các đại biểu cũng nhất trí về tầm quan trọng của bảo mật kỹ thuật số trong việc đảm bảo tính bền vững của doanh nghiệp và hoan nghênh các sáng kiến của Chủ tịch đoàn Indonesia, như Mạng lưới đổi mới kỹ thuật số G20 (DIN), Hội chợ chuyển đổi kỹ thuật số G20 (DTE), cũng như Sáng kiến làng và đảo thông minh được thực hiện cùng với Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU).

Vấn đề ưu tiên thứ hai là đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và phổ biến kiến thức kỹ thuật số. Theo ông Plate, DEWG đã biên soạn bộ công cụ G20 nhằm đánh giá kỹ năng kỹ thuật số và kiến thức kỹ thuật số, giúp hỗ trợ hoạch định chính sách công khách quan hơn và khuyến khích hợp tác quốc tế nhằm khắc phục khoảng cách kiến thức số giữa các quốc gia.

Ông Plate cho biết thêm rằng Chủ tịch Indonesia cũng đã thành công trong việc tổng hợp các báo cáo về chính sách và khuyến nghị nhằm tăng cường sự tham gia có ý nghĩa của các nhóm dễ bị tổn thương trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, cũng như tài liệu tóm tắt về thực tiễn và chính sách liên quan đến kỹ năng kỹ thuật số và kiến thức kỹ thuật số nâng cao.

Ưu tiên thứ ba là vấn đề Luân chuyển thông tin tự do với niềm tin (DFFT) và Luồng dữ liệu xuyên biên giới (CBDF). Theo ông Plate, DEWG đã ghi nhận các nỗ lực của Indonesia trong việc khởi động các cuộc thảo luận liên quan đến việc thực hiện các nguyên tắc công bằng, hợp pháp và minh bạch trong DFFT và CBDF.

Cuộc họp cũng đánh giá cao thành công của Chủ tịch G20 Indonesia trong việc tổ chức các hội thảo về kinh tế kỹ thuật số, quy tụ các bên liên quan từ nhiều quốc gia nhằm thảo luận về tầm quan trọng của quản trị dữ liệu. Ngoài ra, cuộc họp cũng hoan nghênh các cuộc thảo luận về tầm quan trọng của vai trò nhận dạng kỹ thuật số trong quản trị dữ liệu.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế số G20 năm 2022 thu hút sự tham dự của 9 bộ trưởng/thứ trưởng và 10 quan chức cấp cao của các nước thành viên G20, cùng 5 bộ trưởng/thứ trưởng từ các nước khách mời và đại diện của nhiều tổ chức quốc tế trong đó có ITU và Liên hợp quốc./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)