Kiên Giang: Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 43% kế hoạch

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến cuối tháng Tám đạt 43,11% - chưa đạt tiến độ lộ trình kế hoạch thực hiện đầu tư công năm 2022 của tỉnh.

Công trình kè chống sạt lở đường ven biển Rạch Giá-Hòn Đất trên địa bàn thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) giai đoạn thi công. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tính đến cuối tháng Tám, Kiên Giang giải ngân được hơn 2.208 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2022, đạt 43,11% kế hoạch. Trong số đó, nguồn vốn phân bổ cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh hơn 2.366 tỷ đồng, giải ngân 1.041 tỷ đồng, đạt 44% kế hoạch; nguồn vốn phân bổ cấp huyện trên 2.758 tỷ đồng, giải ngân 1.167 tỷ đồng, đạt 42,3% kế hoạch.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho hay mặc dù các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm ngay từ đầu năm, nhưng giá trị giải ngân đến nay chưa cao, chỉ đạt tỷ lệ 43,11%, chưa đạt tiến độ lộ trình kế hoạch thực hiện đầu tư công năm 2022 của tỉnh.

Nguyên nhân một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh.

Cụ thể là chưa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 không đạt kế hoạch đề ra; chưa giải ngân theo kế hoạch đề ra của tỉnh; chưa triển khai và hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu thi công đối với các công trình triển khai mới năm 2022, nhất là các dự án lớn, trọng điểm.

Mặt khác, một số đơn vị chậm hoặc chưa xây dựng kế hoạch triển khai cho từng dự án cụ thể để có giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp theo kế hoạch dự án.

Việc bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn là vướng mắc, khó khăn nhất, chưa được giải quyết triệt để, còn chậm, quy trình thủ tục kéo dài, khiếu nại, khiếu kiện trong lập phương án bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vẫn thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng tiến độ của nhiều công trình, nhất là đối với lĩnh vực giao thông.

[Kiên Giang tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển]

Tiếp đến, nguyên nhân ảnh hưởng kết quả giải ngân thấp như: việc chuẩn bị đầu tư ở một số đơn vị quá chậm; một số đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án kể cả dự án điều chỉnh, năng lực hạn chế dẫn đến công trình không thể triển khai, phải chờ xin chủ trương điều chỉnh dự án.

Hay một số đơn vị ở các huyện, thành phố còn chia thành quá nhiều danh mục công trình nhỏ lẻ, gây khó khăn cho quản lý dự án làm tăng chi phí chuẩn bị đầu tư... Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng biến động lớn, xăng dầu tăng cao dẫn đến các nhà thầu thi công gặp khó khăn, làm ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công.

Những tháng còn lại của năm 2022, tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện đạt 100% kế hoạch đầu tư công.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, các huyện, thành phố và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của tỉnh về thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế. Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án nhanh chóng thực hiện các thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và triển khai đấu thầu các dự án khởi công mới.

Các đơn vị phải khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, đôn đốc các đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ về lập và điều chỉnh dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu...; đồng thời tiếp tục đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tăng cường trong nghiệm thu, quyết toán dự án hoàn thành.

Trên cơ sở thực tế tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng vốn, tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh phương án xử lý cụ thể, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, từ các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư sang các dự án đã đủ thủ tục hồ sơ, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư và đúng theo quy định.

Tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường tập huấn, cập nhật các quy định mới cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư và kịp thời cập nhật biến động giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là giá thép, cát, đá... để có giải pháp thích ứng, nhằm triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình./.

Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)