Doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng
Nhằm bình ổn thị trường, Hà Nội tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nội địa, phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu.
Hàng loạt các chương trình khuyến mại, giảm giá được các doanh nghiệp bán lẻ tung ra trong dịp nghỉ lễ 2/9 nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo sức lan tỏa trong công tác hỗ trợ người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường.
Giảm áp lực chỉ số giá tiêu dùng
Liên tiếp 5 kỳ điều hành gần đây, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm khá mạnh, song theo ghi nhận, giá nhiều mặt hàng vẫn còn ở mức cao, hoặc giảm không tương xứng khi chi phí đầu vào đã đi xuống.
[Tháng khuyến mại Hà Nội: 'Đòn bẩy' kích cầu tiêu dùng nội địa]
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 tăng 0,005% so với tháng trước, còn so với tháng 12/2021, CPI tháng 8 tăng 3,6% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,89%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 9 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ có 2 nhóm hàng giảm giá. Vì vậy, để chung tay trong công tác bình ổn thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ đã liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, giúp người tiêu dùng bớt đi gánh nặng chi tiêu.
Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.op Mart Nguyễn Ngọc Thắng, cho biết, ngay từ đầu năm Saigon Co.op đã lên kế hoạch huy động và dự trữ nguồn hàng hóa để có thể chủ động điều tiết thị trường và tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá để thiết thực chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Hàng loạt các hợp đồng cung cấp hàng hóa ổn định giá cả dài hạn đã được ký kết, một lượng lớn 9 nhóm hàng nhu yếu bình ổn giá đã được chốt và dự phòng cho đến cuối năm nay.
Tiêu biểu trong 7 tháng đầu năm, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã tổ chức thực hiện liên tục hơn 14 chương trình khuyến mãi, mỗi chương trình kéo dài gần 2 tuần liên tục. Trong đó, có 4 chương trình lớn, mỗi chương trình kéo dài 3 tuần và mỗi chương trình đều có hơn 20.000 sản phẩm nhu yếu giảm giá đến 50%.
Còn tại AEON, từ nay đến giữa tháng 9/2022 hàng loạt các chương trình giảm giá, kích cầu mua sắm cũng được doanh nghiệp này triển khai trên toàn quốc, trong đó các sản phẩm như: thịt cá, rau củ quả tươi ngon; Sản phẩm tiêu dùng nhanh giảm từ 20%-50%; Đồ gia dụng-điện máy giảm đến 50% từ các thương hiệu nổi tiếng Tefal, Energizer, Toshiba, Sony…
Đồng thời, AEON Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai chương trình "giá thấp mỗi ngày" và nhiều ưu đãi giảm từ 200.000-500.000đ khi khách hàng mua hàng cũng như thanh toán bằng các hình thức thanh toán không tiền mặt.
Tương tự, tại các cửa hàng của hệ thống siêu thị WinMart và WinMart+ cũng luôn đầy đủ các mặt hàng với giá niêm yết ổn định thời gian qua.
Doanh nghiệp cũng lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường, qua đó góp phần giảm áp lực khi có biến động về giá bán, trong đó nhiều mặt hàng được bán ưu đãi tại cửa hàng, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động khuyến mại trên ứng dụng VinID khi khách hàng mua online.
Kích cầu mua sắm
Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, vào thời điểm tháng 7/2022, giữa lúc hàng hóa thiết yếu đang có đà tăng theo giá xăng, dầu, nhiều siêu thị phải nỗ lực kìm giá hàng hóa, thúc đẩy sức mua trên thị trường.
Với thực tế này, nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, Hiệp hội cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ chủ động trong việc điều chỉnh giá phù hợp với biên độ giảm giá của thị trường theo giá giảm của xăng, dầu.
Hiện tại, nhiều siêu thị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các nhà cung cấp để đưa ra các chương trình giảm giá trong các tháng cuối năm, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như: Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, thực phẩm khô.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông tập đoàn Central Retail (đơn vị quản lý vận hành GO!, Big C), cho biết Chương trình “Tự hào chào Đại Lễ, bao gồm hoạt động quảng bá hàng Việt - “Tự hào hàng Việt,” được triển khai đúng vào dịp Quốc khánh 2/9 là hoạt động thiết thực để Central Retail đóng góp vào việc bình ổn thị trường.
“Thông qua các chương trình khuyến mãi nhằm giúp người dân mua sắm được nhiều hàng hóa với chi phí tiết kiệm, kích cầu tiêu dùng, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch,” bà Vân cho hay.
Bà Đỗ Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Thời trang Vinatex thông tin, Trung tâm thời trang Vinatex định vị là một địa điểm thời trang phục vụ nhiều phân khúc khách hàng, nhiều đối tượng trong một điểm đến.
Với nhiều mức giá, phân khúc, khách hàng dễ dàng tìm đến Trung tâm thời trang Vinatex, tiếp cận được nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng với sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, mức giá ưu đãi, cạnh tranh.
“Trong thời gian sắp tới, Trung tâm thời trang Vinatex sẽ triển khai cụ thể các chương trình phát hành thẻ thành viên, thẻ mua sắm ưu đãi cho các đơn vị đã có thỏa thuận hợp tác với Vinatex cùng các chương trình hợp tác khác giúp hàng may mặc thương hiệu Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng nội địa,” bà Đỗ Hồng Hạnh cho hay.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu nội địa, cùng với đó phối hợp với các doanh nghiệp bán lẻ đảm bảo cung cấp đủ lượng các mặt hàng thiết yếu, qua đó lan tỏa công tác bình ổn giá cả thị trường./.