Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đà phục hồi tích cực
Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá; hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc; nhiều DN đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đà phục hồi với số doanh nghiệp quay lại hoạt động, thành lập mới và thu hút đầu tư nước ngoài đều tăng.
Đây là nội dung được các sở, ngành thông tin tại Họp báo kinh tế-xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2022 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 30/8.
Thương mại, dịch vụ sôi động
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả và tập trung đối với Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025 và Chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.”
Trong tháng Tám, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.
Hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại Thành phố và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức, xuất khẩu tăng mạnh.
Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng Tám năm 2022 ước đạt khoảng 98.840 tỷ đồng, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 149,8% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng Tám trên địa bàn duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm, không biến động nhiều so với tháng trước.
Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 746.578 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 10,6%).
Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại các hệ thống phân phối và các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và tiểu thương tại các chợ chịu tác động của dịch bệnh, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường năm 2022, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của thành phố với nguồn hàng tại các địa phương nhằm đảm bảo cân đối cung-cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 8 tháng ước đạt 31,75 tỷ USD, tăng 9,02% so với cùng kỳ 2021.
Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố 8 tháng qua cửa khẩu cả nước ước đạt 43,2 tỷ USD, tăng 7,51% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực công nghiệp, thành phố xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó, đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.
Tính đến tháng Tám, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, …
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng Tám ước tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 7,5% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 111,7% so với cùng kỳ; bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp hoạt động tích cực
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết điểm sáng trong 8 tháng của nền kinh tế thành phố là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất trong 5 năm trở lại đây và số doanh nghiệp trong nước thành lập mới cũng tăng tích cực.
[Thành phố Hồ Chí Minh thu hút thêm 2,71 tỷ USD vốn FDI]
Cụ thể, trong 8 tháng, cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được khoảng 2,71 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 479 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 309,4 triệu USD, tăng 24,1% số dự án cấp mới. Có 96 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,47 tỷ USD, tăng 127,3% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.
Đồng thời, thành phố cũng chấp thuận cho 1.632 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 925,68 triệu USD, tăng nhẹ về số trường hợp so với cùng kỳ nhưng giảm 19,7% về vốn so với cùng kỳ.
Với doanh nghiệp trong nước, 8 tháng thành phố có 29.224 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 346.887 tỷ đồng (tăng 33,41% về số lượng so với cùng kỳ và giảm 5,42% về vốn đăng ký so với cùng kỳ), có 82.176 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 356.666 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm có 10.895 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 18,9% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp trên hệ thống quản lý hiện tại là 501.906 doanh nghiệp với số vốn 9.290.613 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng, mặc dù, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng nhưng quy mô các dự án đầu tư và quy mô vốn của doanh nghiệp giảm hơn so với những năm trước.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể bằng 50% số doanh nghiệp thành lập mới. Các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu đầu vào, lạm phát ở các nước tăng cao.
Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các lĩnh vực kinh tế thành phố đang trên đà phục hồi khi thương mại, dịch vụ hoạt động sôi động, tiến độ thu ngân sách tốt. Thành phố chắc chắn sẽ đạt được, có thể vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra từ đầu năm (6-6,5%).
Tuy nhiên kinh tế thành phố cũng còn nhiều tồn tại như đà phục hồi sản xuất công nghiệp chậm, từ nay đến cuối năm có thể đi ngang; hoạt động các khu công nghiệp, công nghệ cao giảm cả về giá trị sản xuất, giá trị xuất khẩu; giải ngân đầu tư công dù trong tháng Tám có chuyển biến nhưng lũy kế 8 tháng vẫn thấp.
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ các gói phục hồi, kích cầu chưa đạt yêu cầu, chưa hiệu quả như mong muốn.
Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố rủi ro như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu các sở, ngành tập trung tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố; đồng thời, các đơn vị liên quan cần sớm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế./.