Quảng Ngãi: Nhiều dự án treo gây lãng phí, ảnh hưởng cuộc sống của dân

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, hiện có 104 dự án tại khu kinh tế chậm triển khai, phần lớn thuộc nhóm thương mại, dịch vụ và khu dân cư, có dự án "ôm" hàng trăm ha đất rồi bỏ hoang.

Cảnh nhếch nhác tại Dự án kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư neo đậu tàu thuyền- Đập Cà Ninh phục vụ Khu kinh tế Dung Quất. (Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Với nhiều tiềm năng, trong những năm qua Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đã thu hút được nhiều dự án đầu tư đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm dự án được chấp thuận đầu tư tại khu kinh tế Dung Quất nhưng chậm triển khai gây lãng phí tài nguyên, đặc biệt khiến người dân nằm trong vùng dự án phải chịu cảnh “sống mòn”.

Nằm trong Khu kinh tế Dung Quất, Dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất được khởi công từ năm 2016 với diện tích theo quy hoạch hơn 496 ha. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Tuy nhiên, đến nay sau gần 7 năm khởi công đại dự án này vẫn là một bãi đất hoang. Trong khoảng thời gian này, cuộc sống của hơn 1.000 hộ dân sinh sống trong vùng dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Do chậm triển khai đầu tư, tại Quyết định số 109 ngày 2/3/2021 Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi loại bỏ, không đưa giai đoạn 1B của dự án với diện tích 167 ha tại xã Bình Thạnh vào kế hoạch sử dụng đất của huyện Bình Sơn.

Ngày 11/3/2022, Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn đã ra thông báo số 69 hủy bỏ 831 Thông báo thu hồi đất của Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn, do trước đó đã thu hồi của người dân để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phục vụ dự án. Người dân xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn sau gần 7 năm giao đất cho doanh nghiệp nay nhận đất trở lại, chịu rất nhiều thiệt thòi, không được hưởng quyền lợi gì.

Gia đình Lê Tấn Hồng, thôn Trung An, xã Bình Thạnh, có 20 ha đất nằm trong vùng dự án, chủ yếu là đất màu và trồng cây lâu năm. Khi nhà nước có chủ trương kiểm kê bàn giao đất cho doanh nghiệp đầu tư Dự án Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất gia đình ông Hồng rất đồng thuận. Thế nhưng, từ năm 2016 đến nay, dự án không được triển khai, gia đình ông Hồng vẫn ở, sản xuất trên đất nhưng không thể làm thủ tục tách thửa làm nhà cho con ở, không thể mua bán, chuyển nhượng, sản xuất cầm chừng, nhiều diện tích phải bỏ hoang do gia đình không dám đầu tư vì không biết doanh nghiệp sẽ lấy đất triển khai dự án lúc nào.

Tương tự, gia đình ông Lý Văn Đãi, thôn Trung An, xã Bình Thạnh, có 6 sào đất nằm trong Dự án Khu đô thị Công nghiệp Dung Quất. Theo ông Đãi, gia đình ông cùng các hộ dân xã Bình Thạnh nhường đất cho dự án suốt 7 năm nhưng không được hưởng quyền lợi gì mà chịu thiệt thòi đủ thứ.

“Con đường đất trước nhà tôi rộng 5 m, dài 1,5 km do nằm trong vùng dự án nên không được bêtông hóa, trời nắng thì bụi bay mù mịt, trời mưa thì bùn đất nhão nhoẹt, lầy lội, tội nhất là các cháu nhỏ đến trường. Diện tích đất sản xuất của gia đình không được đầu tư kênh mương tưới, cỏ mọc um tùm; kinh tế gia đình kiệt quệ. Bây giờ, huyện Bình Sơn đã hủy các thông báo thu hồi đất của người dân cần quan tâm đầu tư đường giao thông, nhất là hệ thống kênh mương tưới để phục hồi lại các cánh đồng. Cánh đồng Bình Thạnh rất lớn, đời sống của bà con chỉ nhờ vào việc canh tác trên đất” - ông Đãi nói.

[Xử lý dứt điểm các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ]

Theo ông Lê Tấn Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Thạnh, Dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất chậm triển khai đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người dân. Nhất là hệ thống đường giao thông khu dân cư nằm trong vùng dự án đã không được quy hoạch, đầu tư trong giai đoạn thực hiện chương trình nông thôn mới.

“Hiện huyện Bình Sơn hủy các quyết định thu hồi đất để chính quyền xã trả lại đất cho người dân thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ trên đất. Một số vướng mắc khi làm thủ tục cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân địa phương đã kiến nghị cấp trên sớm có giải pháp, đối với những thửa đất đã được nhận thông báo hủy thu hồi, người dân khẳng định tính pháp lý cần sớm khắc phục những vướng mắc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, để bà con thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ trên đất của mình", ông Lê Tấn Khánh chia sẻ.

(Ảnh: Lê Ngọc Phước/TTXVN)

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện ưu đãi thu hút được nhiều nhà đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất. Tuy nhiên, qua rà soát của Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, hiện có 104 dự án tại khu kinh tế chậm triển khai, phần lớn thuộc nhóm thương mại, dịch vụ và khu dân cư, có dự án "ôm" hàng trăm ha đất rồi bỏ hoang.

Trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết tại Quảng Ngãi nguồn lực hỗ trợ đầu tư các dự án trong những năm qua rất lớn. Tuy nhiên, qua thanh tra các dự án đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh từ 2011-2020 có rất nhiều dự án chậm tiến độ; trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Đơn cử, các dự án tại Khu kinh tế Dung Quất, Ủy ban Nhân tỉnh vừa có kết luận thanh tra phần lớn các dự án đều chậm tiến độ. Có dự án chậm 5-7 năm, nhưng có dự án lên đến hơn 10 năm chưa thực hiện xong. Đây là sự lãng phí lớn trong đầu tư, cũng như thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chủ đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng qua kiểm tra, thanh tra đã rút ra được một bài học kinh nghiệm cho thấy một dự án muốn đáp ứng tiến độ phát huy hiệu quả phải bắt đầu từ khâu trình duyệt dự án, sự cần thiết, cấp bách, hiệu quả của dự án của cấp quyết định đầu tư và cơ quan trình đầu tư. Khi dự án được phê duyệt vấn đề còn lại là phải thẩm định kỹ năng lực thực hiện, điều hành của chủ đầu tư và năng lực của nhà thầu thi công.

Ngoài ra cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, quan tâm giám sát của cấp trên. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh từ những hạn chế đối với dự án vừa qua, Quảng Ngãi sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế yếu kém, phát huy những ưu điểm.

Quan điểm của tỉnh Quảng Ngãi đối với những dự án chậm đầu tư phải xử lý trách nhiệm chủ đầu tư sau đó xử lý trách nhiệm đến các cơ quan đơn vị liên quan như tư vấn, giám sát, chính quyền địa phương. Đối với các dự án không có khả năng hoàn thành tỉnh Quảng Ngãi sẽ kiên quyết thu hồi, kết thúc, chấm dứt dự án./.

Phạm Cường (TTXVN/Vietnam+)