Intel chi 100 tỷ USD trong nỗ lực trở lại vị trí dẫn đầu trong ngành bán dẫn
Chính phủ Mỹ đã công bố các quỹ liên bang cho Intel theo Đạo luật CHIPS và Khoa học vào ngày 20/3, khiến cổ phiếu của công ty tăng 4% trong phiên giao dịch trước khi thị trường mở cửa.
Intel đang lên kế hoạch chi 100 tỷ USD tại 4 bang của Mỹ để xây dựng và mở rộng các nhà máy sau khi nhận được 19,5 tỷ USD tiền tài trợ và khoản vay liên bang. Đồng thời, nhà sản xuất bán dẫn của Mỹ này cũng hy vọng sẽ nhận thêm 25 tỷ USD tiền giảm thuế.
Trọng tâm trong kế hoạch chi tiêu 5 năm của Intel là biến những cánh đồng trống gần Columbus, bang Ohio (Mỹ) thành nơi mà Giám đốc điều hành (CEO) của Intel Pat Gelsinger mô tả với các phóng viên là “nơi sản xuất chip AI lớn nhất thế giới” bắt đầu từ năm 2027.
Chính phủ Mỹ đã công bố các quỹ liên bang cho Intel theo Đạo luật CHIPS và Khoa học vào ngày 20/3, khiến cổ phiếu của công ty tăng 4% trong phiên giao dịch trước khi thị trường mở cửa.
Kế hoạch của Intel cũng sẽ liên quan đến việc cải tạo các điểm sản xuất ở bang New Mexico và Oregon, đồng thời mở rộng hoạt động ở bang Arizona, nơi Intel - đối thủ lâu năm của nhà sản xuất chip Đài Loan (Trung Quốc) TSMC - cũng đang xây dựng một nhà máy lớn.
Số tiền từ kế hoạch của ông Biden cung cấp cho sự phục hưng ngành sản xuất chip của Mỹ sẽ giúp Intel khắc phục được mô hình kinh doanh. Trong nhiều thập kỷ, Intel đã dẫn đầu thế giới trong việc chế tạo các chất bán dẫn nhanh nhất và nhỏ nhất, bán chúng với giá cao và tái đầu tư lợi nhuận vào nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển hơn để luôn dẫn đầu.
Tuy nhiên, Intel đã đánh mất lợi thế sản xuất đó vào tay TSMC vào những năm 2010 và tỷ suất lợi nhuận của hãng cũng giảm mạnh do hãng phải giảm giá để giữ thị phần.
CEO Gelsinger đã công bố kế hoạch đưa Intel trở lại vị trí số 1 vào năm 2021, nhưng để kế hoạch này được thực hiện thành công, ông cho biết sẽ cần sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ.
Ông Gelsinger cho biết, khoảng 30% trong kế hoạch chi tiêu 100 tỷ USD nói trên sẽ được dành cho chi phí xây dựng như nhân công, đường ống và bê tông. Phần còn lại sẽ dùng để mua các công cụ sản xuất chip từ các công ty như ASML, Tokyo Electron, Application Materials và KLA, cùng nhiều công ty khác.
Ngoài các khoản trợ cấp và cho vay, Intel có kế hoạch thực hiện hầu hết các giao dịch mua từ dòng tiền hiện có của mình. Trước đó, ông Gelsinger đã nói rằng Intel có thể sẽ cần đến vòng tài trợ thứ hai của Chính phủ Mỹ cho các nhà máy sản xuất chip để tái lập “ngôi vương” của Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu./.