Chủ tịch ECB cảnh báo đừng để quá muộn mới cắt giảm lãi suất
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng không thể đợi cho đến khi có tất cả các thông tin liên quan vì có thể có nguy cơ dẫn đến hành động quá muộn trong việc điều chỉnh chính sách.
Ngày 20/3, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo nguy cơ hành động “quá muộn” trong việc cắt giảm lãi suất, đồng thời nhắc lại khả năng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Phát biểu tại hội nghị ở Frankfurt (Đức), Chủ tịch ECB cho rằng không thể đợi cho đến khi có tất cả các thông tin liên quan vì có thể có nguy cơ dẫn đến hành động quá muộn trong việc điều chỉnh chính sách.
Do đó, ECB đang tập trung vào 2 căn cứ quan trọng trước khi quyết định hành động tiếp theo: dữ liệu về tăng trưởng tiền lương ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và dự báo kinh tế của chính ngân hàng này.
Hiện nhiều cuộc đàm phán về lương trong các lĩnh vực lớn vẫn đang diễn ra khi các tổ chức công đoàn trên khắp châu Âu đang thúc đẩy việc tăng lương để theo kịp sự gia tăng chi phí sinh hoạt.
Bà Lagarde cho biết ECB hy vọng sẽ có bức tranh rõ ràng hơn về kết quả các cuộc đàm phán tiền lương này vào cuối tháng 5 tới.
Một tháng sau đó, ECB sẽ công bố những dự báo mới nhất về tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Dữ liệu sẽ cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế Eurozone cũng như xác định liệu lạm phát có duy trì đà quay trở lại mức mục tiêu 2% vào năm 2025 hay không.
Theo bà Lagarde, nếu dữ liệu cho thấy quá trình giảm phát đang tiếp tục, ECB có thể chuyển sang giai đoạn quay trở lại chu trình chính sách của mình và nới lỏng chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, bà cảnh báo không có gì đảm bảo rằng sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ tự động diễn ra các đợt cắt giảm tiếp theo. Bà Lagarde khẳng định các quyết định của ECB sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và từng cuộc họp.
ECB đã giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 10/2023 sau một loạt đợt tăng lãi suất chưa từng có nhằm kiềm chế lạm phát phi mã.
Khi lạm phát giảm dần và nền kinh tế Eurozone trở nên trì trệ, giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc ECB phải bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ./.