Mỹ trợ cấp 20 tỷ USD cho Intel để thúc đẩy sản lượng chip trong nước
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố một thỏa thuận sơ bộ cung cấp cho các nhà máy sản xuất chip của Intel ở bang Arizona khoản tài trợ 8,5 tỷ USD và khoản cho vay lên tới 11 tỷ USD.
Ngày 20/3, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo cấp cho tập đoàn sản xuất chip Intel gần 20 tỷ USD dưới hình thức trợ cấp và cho vay để hãng này tăng sản lượng chip bán dẫn ở trong nước.
Đây là khoản chi lớn nhất của Chính phủ Mỹ hỗ trợ ngành sản xuất chip.
Theo đó, Tổng thống Biden công bố một thỏa thuận sơ bộ cung cấp cho các nhà máy của Intel ở bang Arizona khoản tài trợ 8,5 tỷ USD và khoản cho vay lên tới 11 tỷ USD.
Một phần kinh phí sẽ được sử dụng để xây hai nhà máy mới và mở rộng quy mô của nhà máy hiện có.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo tuyên bố đây là một "thỏa thuận lớn" và là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay vào ngành sản xuất sản phẩm bán dẫn của Mỹ.
Bà nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất các chip tiên tiến nhất tại Mỹ.
Theo quan chức này, chương trình trợ cấp sẽ giúp tăng thị phần chip tiên tiến của nước này lên 20% vào cuối thập kỷ này, từ mức 0% hiện nay.
Sau khi Nhà Trắng công bố thỏa thuận trên, cổ phiếu của Intel đã tăng 4% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa ngày 20/3.
Trong một tuyên bố, Intel cho biết sau khi nhận được khoản trợ cấp trên, tập đoàn này có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD vào các dự án xây mới và mở rộng nhà máy ở 4 bang của Mỹ.
Trọng tâm kế hoạch phát triển của Intel trong 5 năm tới là biến những cánh đồng hoang gần thành phố Columbus, bang Ohio, thành “nhà máy sản xuất chip trí tuệ nhân tạo (AI) lớn nhất thế giới” bắt đầu từ năm 2027.
Intel cũng đặt mục tiêu nâng cấp các nhà máy ở New Mexico và Oregon, đồng thời mở rộng hoạt động ở Arizona.
Theo giới phân tích, khoản chi kỷ lục cho ngành sản xuất chip cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang "đặt cược" vào Intel trong cuộc đua phát triển chip bán dẫn.
Khoản chi này là một phần của Đạo luật Khoa học và CHIPS được Tổng thống Biden ký ban hành năm 2022 nhằm thúc đẩy sản lượng chip bán dẫn trong nước.
Đạo luật bao gồm khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD, trong đó có 39 tỷ USD cho hoạt động sản xuất chip bán dẫn và 11 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.
Trong số 39 tỷ USD trợ cấp sản xuất, Bộ Thương mại Mỹ đã phân bổ 28 tỷ USD để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn công nghệ cao, trong đó có hãng TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc.
Theo bà Raimondo, các doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ Mỹ trợ cấp hơn 70 tỷ USD.
Mặc dù Mỹ dẫn đầu về thiết kế chip và phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn ứng dụng AI, nhưng nước này không tự sản xuất hoặc đóng gói các chip tiên tiến cần thiết để AI vận hành, kể cả những con chip cần thiết cho lĩnh vực quốc phòng.
Bà Raimondo nêu rõ Mỹ sẽ không thể dẫn đầu thế giới với tư cách quốc gia hàng đầu về công nghệ và đổi mới nếu không thể tự sản xuất chip.
Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch tài trợ trực tiếp cho nhà sản xuất chip GlobalFoundries 1,5 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất chip trong nước.
Bộ này cũng đặt mục tiêu công bố kế hoạch trợ cấp cho các doanh nghiệp chip bán dẫn lớn cho tới cuối tháng 3 này./.