Hồi ký của nhà báo Trần Mai Hưởng: Chuyện những người đưa tin trong lửa đạn
Nhà báo Trần Mai Hưởng đã hồi tưởng lại hành trình cùng các đồng nghiệp đi qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ của những người đưa tin trong lửa đạn.
Nhà báo lão thành Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã tới những mặt trận nóng bỏng nhất, là một trong những phóng viên có mặt sớm nhất ở Dinh Độc lập, ghi lại hình ảnh của ngày Đại thắng.
Sau này, ông còn theo các cánh quân tình nguyện sang Campuchia diệt trừ quân Pol Pot, rồi lại lên phía Bắc trong cuộc chiến bảo vệ biên giới…
Ông cũng không nhớ mình đã qua bao nhiêu con đường, chiến trường, đã sáng tác bao nhiêu bức ảnh, bài viết mà chỉ đau đáu nỗi niềm phụng sự Tổ quốc.
Những trải nghiệm đó được ông ghi chép lại cẩn thận trong cuốn hồi ký “Phóng viên chiến trường: Trên những nẻo đường chiến tranh và hòa bình” ra mắt ngày 5/12 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Hà Nội.
Trong lời giới thiệu sách, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho rằng hồi ký-tự truyện là một thể loại khó, dường như chỉ dành cho những cuộc đời giàu trải nghiệm và nhà báo Trần Mai Hưởng là người có cuộc đời như thế.
Quả thực, từ khi còn là một nhà báo rất trẻ của Thông tấn xã Việt Nam, ông đã có mặt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông đã trải qua “mùa Hè đỏ lửa” năm 1972 ở Quảng Trị; là một trong những nhà báo đầu tiên vào Huế, Đà Nẵng khi vừa giải phóng; có mặt ở Dinh Độc Lập ngay trong ngày 30/4/1975 lịch sử; có mặt ở Phnom Penh đúng ngày 7/1/1979, khi các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào đây, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot; có mặt ở Hà Giang, Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.
Theo ông Lê Quốc Minh, nhà báo Trần Mai Hưởng đã cùng đông đảo các đồng nghiệp thuộc thế hệ của mình ở Thông tấn xã Việt Nam (Thông tấn xã Giải phóng) qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, trên khắp các chiến trường, thực hiện thiên chức của những người “chép sử bằng máu mình trong lửa đạn.”
“Cuốn sách này không chỉ có những bước chân mà còn có cả vị mặn của mồ hôi và màu đỏ của máu; có những thao thức, chiêm nghiệm về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình. Với văn phong tưởng như chất phác mà rất giàu chất thơ, cuốn hồi ký không chỉ giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo nói riêng,” ông Lê Quốc Minh khẳng định.
Chia sẻ tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định cuốn sách giúp người đọc trở lại những năm tháng chiến tranh với những nhân vật, sự kiện trong những bối cảnh ác liệt, giúp thế hệ sau hiểu được một thời tuổi trẻ xông pha dấn thân của chính tác giả, cũng như những đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam trước đây - những người đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh nhà báo - chiến sỹ, làm nên lịch sử của Thông tấn xã Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.
"Cuốn sách cũng giúp hiểu hơn về một nhà báo yêu nghề, kính nghiệp, một vị lãnh đạo tiền bối của Thông tấn xã Việt Nam, đã dành sự quan tâm, khích lệ, truyền lửa cho thế hệ trẻ để tiếp nối và phát huy truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam - cơ quan báo chí ba lần đón nhận danh hiệu Anh hùng," nhà báo Nguyễn Thị Sự chia sẻ.
Với nhà báo Trần Mai Hưởng, ông viết những dòng hồi ức này khi đã ở tuổi ngoài 70. Cuộc đời hiện lên như một cuốn phim quay chậm qua những tháng năm, với nhiều sự kiện, nhiều gương mặt và hoàn cảnh đã sống.
“Tôi đã dành trọn cuộc đời mình để theo nghề báo. Công việc đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm, được trải qua nhiều thử thách trong chiến tranh và hòa bình, được chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong lịch sử đất nước. Đối với tôi, đấy thực sự là một may mắn lớn,” nhà báo lão thành bày tỏ.
Ông khẳng định rằng chính công việc của một phóng viên Thông tấn đã cho ông những cơ hội nghề nghiệp, được chứng kiến những sự kiện, những đổi thay của cuộc sống, và góp phần nhỏ bé của mình vào công việc chung. Chính trong biển cả mênh mông vô tận của cuộc sống, ông được rèn luyện và trưởng thành.
Nhà báo Trần Mai Hưởng đã sống qua những năm tháng hào hùng và bi tráng, đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử và cả những hy sinh, khổ đau, mất mát vô cùng lớn lao của con người. Nhiều đồng nghiệp của ông đã ngã xuống trên chiến trường, với máy ảnh và vũ khí trong tay, những trang tin còn đang viết dở. Sự hy sinh đó là vô giá.
Chính vì vậy, ông tâm niệm: “Với một người may mắn trở về, sự sống trong mỗi chúng tôi luôn trĩu nặng sự sống của cả bao người không còn có mặt. Vì thế, sống sao cho xứng đáng, sống cho cả mong ước của những người không trở về, luôn là một câu hỏi lớn cho mỗi con người hôm nay.”
Đó cũng là nguồn cảm hứng để ông viết cuốn sách này, như ông khẳng định trong bài thơ “Phóng viên chiến trường”: "Tóc râu giờ bạc trắng rồi/ Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh [...] Tay run mình đỡ tháng năm/ Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người."
Nhà báo lão thành khẳng định rằng ông hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống ý nghĩa và nếu có thể chọn lựa lại, ông vẫn muốn tiếp tục làm báo để ca ngợi những điều tốt đẹp về con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình./.