Dân ca Trống quân Đức Bác - Lời ca say lòng người
Điều thú vị, lôi cuốn của hát Trống quân Đức Bác là sự kết hợp chặt chẽ giữa lời hát và tiết tấu, những khúc hát đẩy đưa, trong những vòng tròn của những chàng trai Đức Bác quanh cô đào Phù Ninh.
Hát Trống quân là loại hình sinh hoạt âm nhạc dân gian đặc sắc, được coi là “đặc sản” văn hóa của người dân Đức Bác, huyện Sông Lô. Dân ca Trống quân Đức Bác được mài giũa, chắt lọc qua nhiều thế kỷ và có giá trị nghệ thuật rất lớn.
Lịch sử hình thành làn điệu làm say lòng người
Theo lời kể của các bậc cao niên, điệu hát Trống quân đã có từ lâu, không ai còn nhớ rõ.
Tương truyền rằng, ngày xưa, khi người dân Đức Bác tập hợp xuống bãi bồi ven sông Lô, tạo thành xóm nhỏ lấy tên là Trại Lép sau này có tên là Kẻ Lép). Cả xóm mưu sinh xuôi ngược trên dòng Lô Giang.
Có một lần lũ sông Lô đổ ồ ạt hung dữ đã lấy đi một phần đất của Kẻ Lép cắt sang bên Phù Ninh (nay là xóm Thép xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ).
Theo tích xưa truyền lại, có một cô bé được mẹ sinh ra trong giấc mộng, lớn lên theo Bà Trưng đi đánh giặc (nàng tự xưng là Nương công chúa). Thắng giặc trở về, nàng bỗng hóa trên phần đất của Kẻ Lép bên bờ sông Lô. Thấy vậy, dân Kẻ Lép sang bên Phù Ninh xin tên nàng về lập đền thờ.
Từ đó hai làng ven sông là Phù Ninh và Đức Bác có quan hệ nước nghĩa, để hàng năm người Đức Bác đón người Phù Ninh sang sông làm lễ tế thờ Tứ Vị cô nương cầu hạnh phúc, bình an. Điệu hát Trống quân ra đời từ đó.
Sau này, người ta đặt tên hội là Lễ hội Khai xuân cầu đinh (hay còn gọi là hát trống quân Đức Bác), diễn ra 3 ngày đầu tháng Giêng vào năm làng mở tiệc. Theo thường lệ, ngày mùng Một Tết, đợi đến giữa Ngọ, các chàng trai Đức Bác mặc quần trắng, áo trắng, đầu buộc khăn đỏ, đai lưng đỏ vai đeo trống kéo nhau ra bến quán đón đào sang hội. Điệu hát được đệm bằng trống nhỏ mặt da, tang gỗ có dây đeo bằng lụa hồng. Cuộc giao đối đôi bên diễn ra liên tục suốt từ bến quán đến làng Xốm, rồi về đến cửa đình của làng mới mãn cuộc.
Điều thú vị, lôi cuốn của hát Trống quân Đức Bác là sự kết hợp chặt chẽ giữa lời hát và tiết tấu. Họ chuyển động chậm theo những khúc hát đẩy đưa, trong những vòng tròn của những chàng trai Đức Bác quanh những cô đào Phù Ninh. Song, trong cái triền miên của những khúc hát trao tình ấy, người ta vẫn nhận ra kết cấu chặt chẽ của tổ chức ca hát. Đó là nội dung khác nhau của mỗi chặng hát. Tức là cuộc hội ngộ bằng những câu hát đối đáp khéo léo, tình ý của đào và kép.
Và sau mỗi khúc hát của đào hay kép đều được đệm bằng câu hát “kia hởi a trống quân” giống như sự khẳng định nguồn cội, sự phân chia tuần tự, không đứt quãng giữa đôi bên. Đây là chặng hát mang tính giao đãi mở đầu.
Có thể nói, hát trống quân Đức Bác đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây như một nét văn hóa truyền thống tinh thần bền lâu. Trống quân Đức Bác trải qua biết bao dấu tích thăng trầm cùng lịch sử đất nước.
Những năm đầu thế kỷ 20, hội làng cùng điệu Trống Quân là một trong những nét đẹp truyền thống không thể thiếu mỗi dịp đầu năm của người dân Đức Bác. Trong chiến tranh, điệu hát Trống quân đã cùng người dân Đức Bác đi đến mọi vùng động viên chiến sỹ chiến đấu chống lại kẻ thù.
Trống quân Đức Bác thường được tổ chức vào mùa Xuân. Khi vào hội hát trống quân, các trai làng Đức Bác đón các cô đào Phù Ninh sang hát giao duyên. Lên đến bờ sông, họ sánh vai nhau vừa đi vừa hát. Các cô đào đeo trước ngực một chiếc trống con, các chàng trai vừa hát vừa cầm dùi gõ vào mặt trống. Từng cặp nam nữ đứng đối diện nhau, nữ đi giật lùi, nam tiến về phía trước. Họ cứ vừa đi vừa hát như vậy cho đến tận cửa đình làng.
Giai điệu giao duyên của Trống quân Đức Bác là lối hát trao gửi tình yêu có sức sống mãnh liệt với 3 làn điệu đặc trưng là hát đón đào, hát mó cá và hát đúm được trình diễn bằng một lối hát tự nhiên với sự kết hợp chặt chẽ giữa lời hát và tiết tấu. Sau mỗi khúc hát của đào hay kép đều được đệm bằng câu hát “kia hợi í a trống quân” sự phân chia tuần tự, nhưng không đứt quãng giữa đôi bên khiến cho giai điệu trong hát Trống quân Đức Bác giữ được nét mộc mạc, dân giã, dí dỏm và chứa chan tình cảm.
Ngoài những bài phổ biến, các chàng trai, cô gái trong khi diễn xướng còn tự sáng tạo các câu hát để đối đáp, so tài. Bên cạnh đó, hát Trống quân Đức Bác còn là phương tiện để những người cao tuổi của làng, trong những dịp lễ hội hay hôn lễ, giáo dục con cháu đạo làm người, tình yêu quê hương đất nước; cũng qua những giai điệu âm nhạc cầu cúng mà chuyển lời thỉnh cầu tới thần linh, cầu những điều tốt đẹp đến với gia đình, xóm làng, mong quốc thái, dân an, mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt và cuộc sống ấm no hạnh phúc…
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản
Năm 2019, Trống quân Ðức Bác được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể và dân ca trên địa bàn, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực Di sản Văn hóa Phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ dân ca tiêu biểu tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, các các Câu lạc bộ hát Trống quân Đức Bác phối hợp với một số trường học trên địa bàn huyện Sông Lô tổ chức trình diễn nghệ thuật hát Trống quân Đức Bác, giới thiệu về lịch sử hình thành, thời điểm diễn xướng, nét riêng của hát Trống quân Đức Bác, qua đó, góp phần quảng bá, giữ gìn giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia của quê hương.
Bên cạnh đó, xã Đức Bác đã mở những lớp học truyền dạy trực tiếp hát Trống quân Đức Bác tại các Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở trên địa bàn xã.
Việc giảng dạy trực tiếp Trống quân Đức Bác sẽ trao truyền tinh hoa Văn hóa Phi vật thể của địa phương cho thế hệ trẻ, giáo dục truyền thống quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.
Chương trình truyền dạy được đưa vào thông qua các làn điệu Trống Quân dễ nhớ, dễ thuộc, tính chất tươi vui, phù hợp đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh cấp Tiểu học.
Các làn điệu Trống Quân Đức Bác được sáng tạo nghệ thuật, bảo đảm giữ nguyên giá trị cốt lõi, không thực hành truyền dạy sai lệch, biến thể cách điệu hiện đại hóa. Học sinh các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở xã Đức Bác được truyền dạy thông qua buổi học ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, trong một số tiết học âm nhạc, lồng ghép vào nội dung giáo dục địa phương./.