Về cố đô Huế, chiêm ngưỡng 2 Bảo vật Quốc gia ở chùa Thiên Mụ
Hai Bảo vật Quốc gia ở chùa Thiên Mụ gồm Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm 1710, nặng gần 2 tấn và tấm bia đá dựng năm 1715 khắc bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu.
Nằm bên bờ sông Hương thơ mộng, chùa Thiên Mụ là ngôi cổ tự nổi tiếng của đất Thần Kinh (Thừa Thiên-Huế) được xây dựng vào thế kỷ XVII dưới thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Hiện nay, ngôi chùa đang lưu giữ 2 bảo vật quốc gia là quả chuông Đại Hồng Chung do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc vào năm 1710, nặng hơn 2 tấn và tấm bia đá dựng năm 1715 khắc bài “Ngự kiến Thiên Mụ tự” của chúa Nguyễn Phúc Chu nói về việc tôn tạo chùa.
Quả chuông Đại Hồng Chung
Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ là một pháp khí quan trọng được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) - nối đời thứ 30 dòng thiền Tào Động, pháp danh Hưng Long, cho đúc vào năm 1710 để cúng dường đức Phật.
Chuông nặng hơn 2.000kg, cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, có hình dáng cân đối; hoa văn và những môtíp trên thân chuông được chạm trổ tinh vi, sắc nét với các hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, nhân dân yên ổn, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp.
Chuông chùa Thiên Mụ là một trong những quả chuông chùa lâu đời và có giá trị nhiều mặt ở cố đô Huế, là công trình tiêu biểu về giá trị mỹ thuật trang trí cũng như hội tụ các nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng tinh xảo, đồng thời cũng đánh dấu sự phát triển của Phật giáo Đàng Trong vào giai đoạn cuối thế kỷ 17-đầu thế kỷ 18.
Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được công nhận là Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2013.
Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự”
Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) dựng năm 1715 trong dịp đại trùng kiến chùa Thiên Mụ là một trong những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn với những giá trị độc đáo còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn, trên bia khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán (không bao gồm các chữ trên trán bia và các con dấu), kiểu chữ chân phương.
Nội dung văn bia thể hiện rõ tầm quan trọng của Phật giáo ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Chu cũng như của việc trùng kiến chùa Thiên Mụ vào thời điểm này. Nội dung và cách thức tạo tác, trang trí bia với nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng có giá trị đặc biệt về chính trị, tư tưởng, lịch sử và văn hóa thời các chúa Nguyễn, trực tiếp là dưới thời của chúa Nguyễn Phúc Chu, người có vai trò quan trọng trong việc phát triển tông phái Phật giáo Tào Ðộng ở Việt Nam và có nhiều cải cách, tạo bước phát triển vững mạnh về kinh tế, văn hóa, xã hội ở Đàng Trong.
Bia được đặt tại chùa Thiên Mụ, nơi gắn liền với bước đầu mở cõi của Tiên chúa Nguyễn Hoàng (1558-1613) tại xứ Đàng Trong. Cùng với chùa Sùng Hóa, chùa Thiên Mụ là một trong hai ngôi quốc tự ra đời sớm nhất ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn.
Chùa Thiên Mụ không chỉ quan trọng trong việc tôn vinh Phật giáo mà còn có vai trò trấn giữ về mặt phong thủy đối với thủ phủ Phú Xuân. Đây cũng là địa điểm diễn ra các quốc lễ, các nghi lễ Phật giáo quan trọng do các chúa Nguyễn tổ chức kể từ đầu thế kỷ 17, trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh tiêu biểu của các thế hệ chúa Nguyễn và sau này là của các hoàng đế triều Nguyễn.
Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc của Việt Nam vào đầu thế kỷ 18 với kích thước đồ sộ nhất trong các bia đá thời chúa Nguyễn. Hình thức trang trí và kỹ thuật chạm khắc trên bia phản ánh sự kế thừa từ mỹ thuật thời Lê-Trịnh, đồng thời có những nét riêng của phong cách bia thời Nguyễn với những đặc điểm mang giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử.
Các dấu ấn được chạm trên bia rất đa dạng với 4 loại hình (2 dấu hình chữ nhật, 1 dấu hình oval, 1 dấu hình vuông, 1 dấu hình tròn), được khắc chồng lên phần chữ của minh văn theo cách đóng dấu vẫn thường thấy trên các văn bản hành chính, nội dung cô đọng, sâu sắc, thể hiện sự uyên thâm về kiến thức của chúa Nguyễn Phúc Chu, sự phong phú về hình thức nghệ thuật và trình độ chạm khắc trên đá của các nghệ nhân đương thời.
Trong số đó, dấu ấn Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo (ấn truyền quốc của các chúa Nguyễn, sau này là các hoàng đế triều Nguyễn, được công nhận Bảo vật Quốc gia Việt Nam năm 2016) được thể hiện ở hai vị trí: trên trán bia và ở cuối minh văn trên thân bia.
Mặc dù là dấu được khắc chồng lên nhưng nghệ thuật chạm khắc điêu luyện ở chỗ vẫn thể hiện được hai lớp nội dung khác nhau (nội dung của dấu ấn và phần nội dung bia), đủ để người đọc hình dung được thứ tự của văn bản. Đây là hình thức vô cùng độc đáo thể hiện minh văn trên bia đá y như trên văn bản giấy.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, sự tác động của chiến tranh, thời tiết và con người, bia vẫn tồn tại như một minh chứng sống động của mạch nguồn tư tưởng, triết lý nhân văn thời chúa Nguyễn, đã và đang tiếp tục được nuôi dưỡng trong dòng chảy của tư tưởng độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ, hoằng dương đạo pháp vì một xã hội phồn vinh, bốn cõi thanh bình, muôn dân lạc nghiệp.
Với những giá trị độc bản về hình thức tạo tác, trang trí mỹ thuật; sự độc đáo và sâu sắc về giá trị tư tưởng, lịch sử, văn hóa thời chúa Nguyễn, đặc biệt liên quan trực tiếp đến chúa Nguyễn Phúc Chu - vị chúa Nguyễn có nhiều công lao trong sự nghiệp mở mang phát triển đất nước vào đầu thế kỷ 18, bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia của Việt Nam năm 2020./.