Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ trở lại đỉnh cao vào năm 2025
Việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là một yếu tố có thể gây biến động cho giá vàng, bên cạnh đó, tình hình xung đột Israel-Hamas, Nga-Ukraine cũng góp phần đẩy giá vàng lên cao.
Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ phục hồi vào năm 2025, do vàng vẫn giữ được sức hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn với người tiêu dùng châu Á và các ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là một yếu tố có thể gây biến động cho giá vàng. Vàng đã tăng giá trong vài năm qua khi kim loại quý này được xem là biện pháp phòng ngừa lạm phát. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn địa chính trị như xung đột Israel-Hamas và căng thẳng Nga-Ukraine cũng đã góp phần đẩy giá vàng lên cao.
Giá vàng đã giảm kể từ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Giá vàng kỳ hạn tại New York đã giảm xuống 2.541,50 USD/ounce trong tháng này, từ mức cao kỷ lục gần 2.800 USD/ounce vào cuối tháng 10. Cuộc bầu cử đã đẩy giá trị đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Ông Koichiro Kamei, Chủ tịch Viện Chiến lược Thị trường cho biết, cho đến cuối tháng 10, các nhà đầu tư đã mua vàng để phòng ngừa rủi ro từ bất ổn chính trị có thể phát sinh từ cuộc đua vào Nhà Trắng. Rủi ro đó đã biến mất sau chiến thắng rõ ràng của ông Trump, khiến các nhà đầu tư ngắn hạn dừng mua vào. Kết quả bầu cử cũng dẫn đến sự khởi sắc của chứng khoán Mỹ, từ đó hạn chế dòng tiền tìm đến vàng.
Bất chấp đà giảm giá gần đây, các nhà quan sát thị trường cho rằng vàng sẽ tiệm cận hoặc vượt qua mức cao lịch sử một lần nữa vào năm tới, khi nhu cầu đối với kim loại quý này vẫn cao và có thể được thúc đẩy thêm bởi các chính sách của ông Trump. Giá vàng đã phục hồi lên trên mức 2.700 USD/ounce trong phiên cuối cùng của tuần trước, trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.
UBS dự đoán giá vàng giao ngay sẽ đạt 2.900 USD/ounce vào năm 2025. Bà Joni Teves, chiến lược gia kim loại quý của UBS Investment Bank, cho rằng các nhà đầu tư tổ chức sẽ muốn phân bổ vốn một cách chiến lược vào vàng như một cách đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Theo ông Kamei, giá vàng chỉ có thể tăng mạnh trở lại nếu có lực cầu đến từ nhóm các nhà đầu tư đầu cơ, ví dụ như các quỹ đầu cơ tại châu Âu và Mỹ. Dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy các quỹ đầu tư vàng ở Bắc Mỹ và châu Âu đã chứng kiến dòng vốn chảy vào hàng tháng trong giai đoạn từ tháng 5-10, nhưng sau cuộc bầu cử Mỹ, đã có dòng vốn chảy ra trong nửa đầu tháng 11.
Ông William Rhind, Giám đốc điều hành công ty GraniteShares, cho rằng các chính sách của ông Trump sẽ là "nhân tố X" có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư vào các quỹ đầu tư vàng. Đặc biệt, chính sách thuế quan của chính quyền mới sẽ có tác động, vì nếu chính sách này khiến lạm phát tăng trở lại, nó sẽ thúc đẩy giá vàng.
Một lĩnh vực chính sách khác có tương quan với giá vàng là thâm hụt ngân sách của Mỹ. Ông Trump đã cắt giảm thuế khi còn tại vị, và nhiều người đang tập trung vào việc liệu tỷ phú Elon Musk, cố vấn của ông Trump, có giúp ông giảm chi tiêu chính phủ trong nhiệm kỳ này hay không.
Theo bà Miyoko Nakashima, chiến lược gia thị trường tại Mizuho Securities, nếu thâm hụt không tăng quá mức so với dự đoán, giá vàng sẽ không tăng nhiều. Nhưng nếu chính quyền mới thông qua nhiều dự luật làm tăng thâm hụt, bà cho rằng giá vàng kỳ hạn có thể tăng lên 3.000 USD/ounce.
Nhu cầu vàng vật chất từ các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc, cùng với việc mua vào của các ngân hàng trung ương, được dự đoán sẽ nâng đỡ giá vàng. Ngay cả khi giá giảm xuống 2.500 USD/ounce, mức giá này vẫn cao hơn so với đầu năm 2024, khi vàng được giao dịch quanh mức 2.180 USD/ounce.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng vật chất dưới dạng trang sức, vàng miếng và vàng xu chiếm khoảng 70% nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III/2024. Phần lớn nhu cầu đó đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, lần lượt chiếm 20% và 30% tổng nhu cầu.
Nhu cầu vàng vẫn mạnh mẽ bất chấp giá cao ở Ấn Độ, nơi chính phủ đã cắt giảm thuế nhập khẩu vàng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013.
Nhu cầu trang sức của Trung Quốc đã giảm dần khi giá vàng tăng, bên cạnh tác động từ tâm lý người tiêu dùng yếu và nền kinh tế tăng trưởng chậm. Nhu cầu ở Trung Quốc đại lục đã giảm xuống 102,5 tấn trong quý III, từ 154,1 tấn cùng kỳ năm ngoái, dù đã phục hồi từ mức 86,2 tấn trong quý II. Tuy nhiên, bà Teves cho rằng nhu cầu trang sức tiêu dùng giảm sẽ được "bù đắp bởi nhu cầu mạnh mẽ hơn từ phía đầu tư" đối với vàng miếng và vàng xu ở Trung Quốc.
Người mua cá nhân ở Trung Quốc cũng thường mua nhiều hơn trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, bắt đầu từ cuối tháng 1/2025. Việc giá vàng giảm hiện nay có thể giúp họ dễ dàng mua vàng hơn.
Một số người dự đoán giá vàng giảm cũng có thể thúc đẩy nhu cầu từ các ngân hàng trung ương. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) đã không báo cáo bất kỳ giao dịch mua bổ sung nào kể từ lần mua gần nhất vào tháng Tư. Ông Kamei cho rằng giá vàng giảm có khả năng kích thích nhu cầu từ người tiêu dùng châu Á và ngân hàng trung ương ở các nước đang phát triển.
Các ngân hàng trung ương đã tích trữ vàng để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, đặc biệt là sau năm 2022, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga liên quan đến xung đột với Ukraine càng cho thấy rủi ro của việc nắm giữ “đồng bạc xanh”. Bà Nakashima dự đoán xu hướng này sẽ không thay đổi nhiều.
Vàng đôi khi còn được coi là cạnh tranh với tiền điện tử, bởi vì cả hai đều là lựa chọn thay thế cho các đồng tiền pháp định, trong đó có cả đồng USD. Bitcoin đã tăng vọt sau chiến thắng của ông Trump, ngược lại với diễn biến của giá vàng. Tuy nhiên, theo ông Rhind, các nhà đầu tư muốn chuyển từ vàng sang tiền điện tử đã làm việc này trước cuộc bầu cử. Ông nói thêm rằng tiền điện tử và vàng phục vụ các chức năng khác nhau, trong khi tiền điện tử mang tính đầu cơ, thì vàng chủ yếu để quản lý rủi ro và phòng thủ hơn./.