Châu Âu lại đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng mới

Mặc dù vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2022, nhưng mức giá cao này đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng và gia tăng áp lực cạnh tranh với nhà sản xuất.

Đường ống dẫn khí đốt liên kết Ba Lan-Litva (GIPL) tại Jauniunai (Litva). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Châu Âu lại đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng mới khi nguồn dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng cùng với nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga, làm dấy lên lo ngại chỉ hai năm sau cú sốc năng lượng ban đầu của khu vực.

Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng khoảng 45% trong năm nay do căng thẳng leo thang ở Ukraine. Mặc dù vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2022, nhưng mức giá cao này đe dọa làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đối với người tiêu dùng và gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các nhà sản xuất.

Tình hình hiện tại đặc biệt đáng lo ngại vì mức dự trữ khí đốt đang cạn kiệt nhanh chóng khi thời tiết đang dần chuyển sang Đông, làm tăng nhu cầu sưởi ấm. Cùng với đó, hoạt động sản xuất điện gió thấp đã làm tăng nhu cầu về khí đốt, khiến nguồn dự trữ này vàng suy giảm.

Hơn hai năm kể từ khi Nga hạn chế nguồn cung, châu Âu vẫn phải vật lộn để bảo vệ hệ thống năng lượng của mình. Thị trường thắt chặt phản ánh thách thức của châu lục này trong việc từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Phát biểu tại một hội nghị gần đây, Giám đốc điều hành (CEO) công ty năng lượng Đức RWE AG, ông Markus Krebber đã nhấn mạnh những thách thức về nguồn cung khí đốt đang diễn ra và cảnh báo về tình trạng thiếu hụt tiềm ẩn trong mùa Đông do nguồn dự trữ cạn kiệt nhanh chóng. Ông nhấn mạnh châu Âu cần phải tăng năng lực nhập khẩu để đạt được sự độc lập thực sự khỏi khí đốt của Nga.

Theo các nhà phân tích của công ty tư vấn Energy Aspects, tuy châu Âu đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, song việc mất các nguồn cung còn lại sẽ gây căng thẳng cho thị trường và đẩy giá toàn cầu lên cao.

Châu Âu vốn đã chuẩn bị cho thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay, nhưng các biện pháp trừng phạt gần đây có thể ngăn chặn dòng chảy năng lượng sớm hơn thời hạn đó.

Áp lực thị trường thể hiện rõ ở sự đảo ngược bất thường của giá khí đốt mùa Hè và mùa Đông. Giá mùa Hè thường thấp hơn, cho phép các nước mua vào để bổ sung kho dự trữ. Nhưng giá này lại đang cao hơn giá khí đốt cho mùa Đông năm sau. Điều này cho thấy kỳ vọng về chi phí năng lượng cao kéo dài và quá trình bổ sung kho dự trữ sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2025. Mức dự trữ trong mùa Đông này càng thấp thì việc bổ sung càng khó khăn và tốn kém hơn.

Đức - vốn đã phải vật lộn cắt giảm sản xuất công nghiệp do chi phí năng lượng cao, đang phải đối mặt với một thách thức đặc biệt nghiêm trọng. Việc kho dự trữ khí đốt giảm nhanh hơn báo hiệu khả năng tình hình khó khăn của nền kinh tế sẽ kéo dài sang năm thứ ba liên tiếp.

Ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank AS, dự đoán rằng các nền kinh tế sử dụng nhiều năng lượng như Đức sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng này.

Mặc dù mùa Đông ôn hòa năm 2022 đã giúp châu Âu tránh được tình trạng thiếu hụt khí đốt, nhưng triển vọng của năm nay kém chắc chắn hơn. Giá cao ở châu Âu so với châu Á đang thu hút các chuyến hàng khí đốt tới châu lục này.

Tuy nhiên, mùa Đông lạnh giá ở những khu vực khác có thể làm tăng cạnh tranh đối với nguồn cung này, đẩy giá lên cao và tạo ra những thách thức mới cho châu Âu./.