Long An khởi động đề án một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao

Phó Chủ tịch UBND Long An Nguyễn Minh Lâm khẳng định việc thực hiện đề án sẽ có những khó khăn, thách thức nhưng tỉnh sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra là 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao.

Mô hình trình diễn Máy gieo sạ hàng kết hợp vùi phân bón trên cánh đồng thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Sáng 25/11, tại ấp 1, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Long An triển khai thực hiện mô hình thí điểm và lễ khởi động Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.”

Ðề án trên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023; trong đó có 12 tỉnh, thành vùng Ðồng bằng sông Cửu Long tham gia; quy mô đến 2025 là 300.000ha, đến 2030 là 1 triệu ha.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường, chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai đề án.

Cùng với đó, liên hệ, phối hợp tốt với các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các sở ngành liên quan, các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.

Ông Nguyễn Minh Lâm khẳng định việc triển khai thực hiện đề án sẽ có những khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị đặc biệt là sự vào cuộc của các hợp tác xã và các cơ quan, doanh nghiệp tham gia đề án, Long An sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra là hình thành 125.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.

Mô hình trình diễn Máy gieo sạ hàng kết hợp vùi phân bón trên cánh đồng thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Gắn với đó là tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Tại Long An, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Ðề án. Theo đó, giai đoạn 1 (2024-2025), sẽ tập trung thực hiện đạt 60.000ha diện tích canh tác lúa thuộc vùng Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSat) và vùng lúa ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Giai đoạn 2 (2026-2030), tiếp tục mở rộng để đạt 125.000ha tại các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường có 62 xã với 50.800 hộ tham gia.

Trong 2 năm 2024-2025, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện 33 mô hình, mỗi mô hình từ 15-20ha; trong đó lựa chọn Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây, huyện Thạnh Hóa thực hiện mô hình điểm với quy mô 15ha trong 2 vụ: Ðông Xuân 2024-2025 và Hè Thu 2025.

Tại buổi lễ, đại biểu được tham quan mô hình trình diễn Máy gieo sạ hàng kết hợp vùi phân bón trên cánh đồng thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây.

Đồng thời ký kết hợp tác giữa Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 1 Tân Tây và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gieo sạ, vật tư đầu vào. Theo đó, hợp tác xã tổ chức thực hiện các nội dung hướng dẫn, đảm bảo tuân thủ theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; doanh nghiệp hỗ trợ 50% chi phí phân bón chuyên dùng cho lúa cho các mô hình do tỉnh chủ trì thực hiện; hướng dẫn hợp tác xã các biện pháp chăm sóc lúa, theo dõi thu thập dữ liệu theo nội dung phương pháp thu thập số liệu và ghi nhật ký canh tác tại các mô hình…/.