EU tìm cách ngăn chặn việc Mỹ tái áp đặt thuế nhôm thép
Mỹ yêu cầu EU có biện pháp đối phó với các nhà sản xuất thép Trung Quốc, đổi lại, khối này sẽ tránh được việc bị Mỹ tái áp đặt các mức thuế như thời của cựu Tổng thống Trump với mặt hàng nhôm và thép.
Tuần này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm cách ngăn chặn việc tái áp đặt thuế nhôm thép như thời của cựu Tổng thống Donald Trump và giảm nhẹ tác động tiêu cực từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) và trợ cấp cho xe điện của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày sẽ hội kiến với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong hội nghị thượng đỉnh ngày 20/10 để thảo luận về nhiều vấn đề kinh tế.
Một trong những nội dung kinh tế chính được thảo luận trong hội nghị tới đây là một tuyên bố chung về các biện pháp để giải quyết tình hình dư thừa năng lực sản xuất thép và nhôm trên toàn cầu và thúc đẩy hoạt động sản xuất bền vững.
Mỹ đã yêu cầu EU có biện pháp đối phó với các nhà sản xuất thép Trung Quốc, đổi lại, khối này sẽ tránh được việc bị Mỹ tái áp đặt các mức thuế như thời của cựu Tổng thống Donald Trump với mặt hàng nhôm và thép.
Thời hạn để hai bên đạt được thỏa thuận về việc này là cuối tháng Mười.
[WTO ủng hộ Na Uy trong vụ kiện Mỹ áp thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu]
Một số nước EU đã nhấn mạnh trong cuộc họp tuần trước rằng các biện pháp được đưa ra phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là không áp thuế với các nước thứ ba như Trung Quốc trước khi điều tra để xác định có hành vi bán phá giá hay trợ cấp quá mức.
Mỹ và EU cũng sẽ nỗ lực dung hòa hệ thống thuế biên giới carbon của EU với một biện pháp của Mỹ nhằm xanh hóa nền kinh tế thông qua trợ cấp.
Các khoản trợ cấp này, chỉ yếu nằm trong Đạo luật IRA, không được lòng các nước EU vì chúng bao gồm các quy định yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa. Chẳng hạn, người tiêu dùng Mỹ sẽ được giảm thuế lên đến 7.500 USD nếu mua một chiếc xe điện, nhưng chỉ khi công đoạn lắp ráp cuối cùng diễn ra ở Bắc Mỹ.
EU kỳ vọng hội nghị lần này sẽ đi đến một thỏa thuận có lợi cho các nhà cung cấp EU về các khoáng sản quan trọng như cobalt, than chì, lithium, manganese và nickel.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê của EU, kim ngạch xuất khẩu các khoáng sản này hoặc các sản phẩm có hàm lượng cao các chất này của EU sang Mỹ đạt 3,5 tỷ euro (3,7 tỷ USD) vào năm 2022./.