EC điều chỉnh hạ dự báo lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu
Báo cáo mùa Xuân của Ủy ban châu Âu (EC) do Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni công bố, dự kiến lạm phát của Eurozone sẽ giảm từ 5,4% vào năm 2023 xuống 2,5% vào năm 2024.
Ngày 15/5, Liên minh châu Âu (EU) điều chỉnh hạ dự báo lạm phát của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2024, song cảnh báo kinh tế Eurozone vẫn đối mặt với nhiều rủi ro do những căng thẳng địa chính trị như xung đột tại Ukraine và tại Gaza.
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn báo cáo mùa Xuân của Ủy ban châu Âu (EC) do Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni công bố, dự kiến lạm phát của Eurozone sẽ giảm từ 5,4% vào năm 2023 xuống 2,5% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025, so với dự báo trước đây lần lượt là 2,7% và 2,2%.
Nền kinh tế Eurozone sẽ tăng 0,8% vào năm 2024, như dự báo được đưa ra hồi tháng 2. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 1,4% vào năm 2025, so với 1,5% được dự đoán trước đây.
Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy GDP của Eurozone đã tăng 0,3% trong quý I/2024. Tăng trưởng diễn ra khắp các quốc gia thành viên và đánh dấu sự kết thúc giai đoạn trì trệ bắt đầu từ quý 4/2022.
Phát biểu với báo giới, ông Paolo Gentiloni nhấn mạnh sau giai đoạn trì trệ kinh tế diện rộng vào năm 2023, đà tăng trưởng vượt mong đợi vào đầu năm 2024 và lạm phát tiếp tục giảm đã tạo tiền đề cho hoạt động kinh tế mở rộng dần trong giai đoạn dự báo.
Ông Gentiloni cho biết lạm phát dự kiến tiếp tục giảm và đạt mục tiêu sớm hơn một chút trong năm 2025 so với dự báo tạm thời mùa Đông.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang hướng tới mục tiêu lạm phát 2% cho Eurozone. Nhìn chung, dự báo của EC cho thấy một bức tranh kinh tế tương đối tích cực cho Eurozone trong năm 2024 và 2025.
Ông Gentiloni nhấn mạnh: “Kinh tế EU khởi sắc rõ rệt trong quý đầu tiên, cho thấy rằng chúng ta đã bước sang một chặng đường mới sau một năm 2023 đầy thử thách.”
Tuy nhiên, ông Gentiloni cảnh báo những rủi ro đang gia tăng trong khi dự báo EC vừa đưa ra vẫn không chắc chắn và 2 cuộc xung đột Nga-Ukraine và Hamas-Israel tiếp diễn.
Những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Điều này đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh chính sách linh hoạt./.