Đặc sắc nghi lễ, văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Tây Nguyên
Gần 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên là người dân tộc đã trình diễn, giới thiệu trích đoạn các lễ hội, nghi thức văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Ngày 29/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết đây là lần đầu tiên Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên được tổ chức với sự tham gia của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk.
Ngày hội là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng dân tộc tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Tại chương trình, gần 600 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên là người dân tộc của 5 tỉnh Tây Nguyên trình diễn, giới thiệu trích đoạn các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống dân tộc.
Nổi bật như Lễ mở kho lúa của người Rơ Măm (làng Le, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), Lễ cúng người trưởng thành của người Ê Đê (tỉnh Đắk Lắk)… đã được cộng đồng các dân tộc tái hiện một cách đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Bên cạnh trình diễn các lễ hội, nghi thức văn hóa truyền thống dân tộc, du khách khi tham gia chương trình được thưởng thức những món đặc sản của vùng Tây Nguyên như gà nướng, cơm lam, bò một nắng, heo xông khói, lá mì xào và uống rượu cần.
Các tỉnh Tây Nguyên còn cử những nghệ nhân ưu tú đến trình diễn những nghề thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như dệt, đan lát, tạc tượng, làm gốm nung lộ thiên…
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết Ngày hội là dịp để cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Đây còn là cơ hội để các dân tộc thiểu số cùng nhau chung tay bảo tồn tốt các văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Kon Tum mong muốn Ngày hội này sẽ tiếp tục được tổ chức luân phiên ở các tỉnh Tây Nguyên để quảng bá, thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; xây dựng không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; triển lãm "Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ, nhảy bao bố...
Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đến giao lưu các hoạt động văn hóa cùng đồng bào dân tộc thiểu số, thưởng thức những món ẩm thực độc đáo; đồng thời, tham quan không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên./.