Sáng tạo nghệ thuật từ góc nhìn tài hoa của nhà báo, nghệ sĩ Ngô Minh Đạo
Qua những trang viết của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp, chân dung dung nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo hiện lên rất sinh động, chân thật.
Viết chân dung con người là một việc khó. Làm nổi lên diện mạo tinh thần, những nét đặc sắc nhất, những câu chuyện điển hình nhất của con người ấy luôn là thách thức với người cầm bút. Điều ấy càng khó hơn khi nhân vật được thể hiện có một cuộc đời nhiều trải nghiệm, nhiều dấu ấn đáng nhớ.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp đã làm được công việc ấy qua cuốn sách: “Ngô Minh Đạo - nhà báo, nghệ sĩ, chiến sĩ" ( Nhà xuất bản Thông tấn, 2023).
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp và nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo - đều là những phóng viên gạo cội của Thông tấn xã Việt Nam, gắn bó với nhau từ những năm 60 của thế kỷ trước. Họ đều thuộc một Thế hệ vàng của cơ quan thông tấn quốc gia, cùng có mặt ở tuyến lửa khu 4 những năm chiến tranh phá hoại, cùng có mặt ở chiến trường Lào một thời giúp bạn rất khó khăn, ác liệt... và luôn là những người bạn, đồng nghiệp thân thiết đến những năm sau này.
Qua những trang viết của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp, chân dung dung nhà báo, nghệ sỹ Ngô Minh Đạo hiện lên sinh động, chân thật.
Ngô Minh Đạo thuộc lớp những phóng viên nhiếp ảnh đầu tiên của TTXVN. Hơn 40 năm gắn bó với nghề thông tấn, ông đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách trong chiến tranh và hòa bình, với những đóng góp xuất sắc.
Ông đã có mặt ở hầu hết các địa bàn ác liệt trong chiến tranh: Khu Bốn, Trường Sơn, mặt trận Bắc Quảng Trị... Ngô Minh Đạo có thời gian vừa là phóng viên, vừa là chuyên gia giúp đào tạo các phóng viên ảnh cho Thông tấn xã Pa Thét Lào KPL.
Ông đã tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc 2/1979, sát cánh bên nhà báo Nhật Bản Tacano và chứng kiến giây phút người phóng viên dũng cảm này hy sinh ngay trong tầm tay mình... Ông cũng đã nhiều năm làm phóng viên chuyên trách của TTXVN cho các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ghi lại nhiều sự kiện có ý nghĩa lịch sử.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Nghiệp đã nêu được nét nổi bật nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo là phẩm chất chiến sỹ và nghệ sỹ luôn gắn bó, hòa quyện.
Khi tác nghiệp như một phóng viên, ngoài ý nghĩa thời sự báo chí, Ngô Minh Đạo luôn có ý thức hướng tới những bức ảnh đẹp, hoàn chỉnh về ánh sáng, bố cục, với những khoảnh khắc bấm máy sống động nhất. Ở những tác phẩm ấy, ranh giới giữa báo chí và nghệ thuật như đã được xoá nhòa. Nhiều tác phẩm xuất sắc, đem lại cho Ngô Minh Đạo các giải thưởng trong nước và quốc tế.
Bức ảnh “Máy bay Mỹ đang đến gần," chụp các em học sinh trong một lớp học sơ tán của ông , đã được Ủy ban Hòa bình Liên Xô trao giải thưởng lớn vào năm 1967. Các hình ảnh trong tác phẩm “Nhìn từ cánh bay non nước Việt” đã mang lại cho Ngô Minh Đạo danh hiệu kỷ lục gia về chụp ảnh từ trên cao vào năm 2014, những tác phẩm mà cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã xem và để lại dòng lưu bút: “Xem tập ảnh của nhà báo - nghệ sỹ Minh Đạo, tôi càng yêu quê hương đất nước mình nhiều hơn."
Tác giả còn cho bạn đọc biết, cha của nhà báo, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo là nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn, người đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh là người đầu tiên chụp ảnh phóng sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghệ An. Nhà nhiếp ảnh Quỳnh Sơn đã để lại trên 1.000 tấm phim ảnh có giá trị lịch sử hiện còn được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Nghệ An; trong đó có các tác phẩm như “Thanh niên cầu Giát tòng quân”; “Mua công trái ủng hộ kháng chiến”; “Gây quỹ Liên Việt”; “Lớp cứu thương Quỳnh Lưu”...
Hai cha con, hai kỷ lục gia về nhiếp ảnh vào hai thời kỳ lịch sử - điều thật đáng tự hào trong lao động sáng tạo nghệ thuật .
Không chỉ có công việc và thành tựu nghề nghiệp. Tác giả Nguyễn Thế Nghiệp còn có những trang viết xúc động lòng người, những câu chuyện cho thấy những vẻ đẹp tinh thần sâu kín của nhà báo nghệ sỹ Ngô Minh Đạo mà không phải là người tri kỷ khó mà biết được.
Đấy là những năm tháng tuổi thơ trong trẻo, khi cậu thiếu niên Ngô Minh Đạo mới học nghề cầm máy; là câu chuyện trên đường vào tuyển lửa, anh xin rẽ về ngủ với cha một đêm trên chiếc chõng tre nhỏ ở nơi sơ tán; chuyện tình thời chiến của Ngô Minh Đạo với cô cán bộ Đoàn ở thị xã Phú Thọ, người sau này là người vợ tào khang của ông; chuyện anh em cơ quan thường trú xúm lại lo tổ chức đám cưới cho ông trước ngày lên đường sang mặt trận Lào; và cả chuyện Ngô Minh Đạo dành dụm tiêu chuẩn thực phẩm sau khi ở chiến trường ra , mua một bi đông mỡ đem về cho vợ con, khi đi tàu lỡ bị đổ, và những câu chuyện đáng nhớ khác.
Cuốn sách này đặc biệt quý ở chỗ, một tác giả đã vào tuổi 80, người đã có hơn 10 đầu sách, viết về một đồng nghiệp đàn anh ở tuổi 86! Điều ấy khiến chúng ta càng trân trọng những gì các ông nghĩ và viết về nhau, dành cho nhau trong đoạn cuối của cuộc đời đã trải qua nhiều gian nan sóng gió.
“Tuổi già hạt lệ như sương...". Tôi tin rằng những tình cảm chân thành, quý giá ấy của các ông còn mãi trong sự trân trọng, đồng cảm của bạn bè, đồng nghiệp, cả với các thế hệ sau này!