Đà Nẵng: Bùn, đất Cụm công nghiệp Cẩm Lệ “tấn công” khu dân cư
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Cẩm Lệ xác nhận có hiện tượng bùn, đất từ dự án trôi xuống nhà dân do cốt nền của dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ cao hơn cốt nhà dân lân cận.
Hàng trăm hộ dân sống ven tuyến đường Cầu Đỏ-Túy Loan ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, đang sống trong thấp thỏm, lo lắng mỗi khi trời mưa.
Nguyên nhân là do dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ đang thi công gần đó có cốt nền cao hơn hàng chục mét so với nền nhà dân, khiến bùn đất thường xuyên tràn xuống, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở khi mưa lớn.
Anh Ngô Quốc Phương ở tổ 6, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, cho biết mấy trận mưa gần đây có rất nhiều bùn đất trôi vào vườn, vào nhà anh. Mỗi lần như vậy, anh Phương phải dùng xẻng xúc dọn cả ngày mới sạch bùn.
Nguyên nhân do công trình Cụm công nghiệp Cẩm Lệ phía sau nhà anh Phương đang thi công, san ủi hạng mục taluy, đất đá tràn xuống khi trời mưa. Anh Phương bức xúc nói: “Gia đình tôi có 4 con nhỏ nên rất bất an, lo lắng khi thấy bùn đất trôi xuống nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở vào mùa mưa. Đơn vị thi công, các cấp chính quyền cần sớm có phương án đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng cho người dân.”
[Đà Nẵng: Xử lý triệt để tình trạng nước thải xả thẳng ra biển]
Gia đình bà Ngô Thị Xê ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, cũng chịu chung nỗi khổ phải dọn bùn đất tràn vào nhà. Bà Xê cho biết trước đây, phía sau nhà bà là nương rẫy, trồng cây, khi trời mưa, chỉ có nước mưa tràn xuống. Từ xây dựng Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, đất đá, ximăng trôi xuống nhà dân, xuống đường phố, xuống cả ruộng lúa.
Bùn đất nhiều lần trôi xuống ruộng làm hư hại lúa, nhưng đến nay mới chỉ được hỗ trợ đền bù một lần với mức hơn 1 triệu đồng/sào ruộng. Đơn vị thi công chỉ dọn bùn đất trôi xuống đường, còn bùn đất trong vườn, nhà, người dân phải tự dọn.
Người dân kiến nghị đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án phải đền bù, hỗ trợ thiệt hại sau mỗi lần bùn đất trôi xuống làm hư hại lúa, cây trồng, nhà cửa của dân.
Dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ có diện tích 29ha, nguồn vốn ban đầu là 250 tỷ đồng từ ngân sách thành phố Đà Nẵng, do Ủy ban Nhân dân quận Cẩm Lệ là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Công ty Liên Việt Tiến là nhà thầu thực hiện dự án.
Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2018 đến 2022, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được hoàn thiện đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận của phóng viên ngày 7/9, tại dự án, nhiều máy xúc, máy ủi đang gạt đất, thi công hạng mục taluy phía sát với nhà dân. Bùn đất, đá sỏi trôi theo dốc của taluy xuống khu dân cư, không có hàng rào ngăn cách giữa công trường thi công với khu dân cư. Mương thoát nước của taluy tràn đầy bùn đất ứ đọng, không thể thoát nước.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hồ Hải Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Cẩm Lệ xác nhận có hiện tượng bùn, đất từ dự án trôi xuống nhà dân.
Nguyên nhân là cốt nền của dự án Cụm công nghiệp Cẩm Lệ cao hơn cốt nhà dân lân cận vì nền dự án phải cao ngang bằng với nền của Khu Công nghiệp Hòa Cầm để khớp nối hạ tầng. Khu nhà dân hiện trạng có cốt nền thấp hơn.
Dự án đang thi công hạng mục taluy tiếp giáp với nhà dân, lớp đất mặt của taluy còn mới, chưa liên kết, bị trôi xuống khu dân cư khi trời mưa. Theo thiết kế, sau khi thi công hoàn thiện, taluy sẽ được trồng cây xanh cách ly, trồng cỏ nên sẽ giữ lại đất, không bị trôi bùn đất xuống nhà dân.
Ngoài ra, dưới chân taluy đang thi công hệ thống mương thoát nước, nhằm thu gom nước mưa. Trong thời gian tới, quận đang trình thành phố cho chủ trương xây dựng hệ thống cống thoát nước khẩu độ lớn để thu gom toàn bộ lượng nước mưa, đổ ra sông Cầu Đỏ.
Về phương án để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa sắp tới, ông Hồ Hải Nam cho biết Ủy ban Nhân dân quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo Ban Quản lý, nhà thầu thực hiện các biện pháp thoát nước, đảm bảo an toàn cho dự án.
Trước mắt, Ủy ban Nhân dân quận Cẩm Lệ chỉ đạo đào một mương thoát nước tạm ra sông, tránh ngập úng khi mưa lớn. Đối với việc bùn đất gây hư hại, ảnh hưởng đến người dân, Ban Quản lý, nhà thầu sẽ phối hợp với Ủy ban Nhân dân phường kiểm tra thực tế để hỗ trợ, đền bù một phần thiệt hại cho người dân./.