Chứng khoán ngập sắc đỏ trước khi Fed ra quyết định về lãi suất
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam chìm vào sắc đỏ khi mở cửa phiên giao dịch và không có cơ hội nào để các chỉ số đảo chiều đi lên.
Trong bối cảnh giới đầu tư chờ đợi thông báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về đợt tăng lãi suất tiếp theo, các thị trường chứng khoán trên thế giới giảm điểm và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam chìm vào sắc đỏ khi mở cửa phiên giao dịch và không có cơ hội nào để các chỉ số đảo chiều đi lên.
Thanh khoản thấp khi nhà đầu tư thận trọng và dường như có tâm lý chờ đợi các thông báo của Fed.
[Dòng tiền “đứng ngoài” quan sát, VN-Index về dưới 1.250 điểm]
Chốt phiên giao dịch ngày 21/9, VN-Index giảm 8,38 điểm xuống 1.210,55 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 392 triệu đơn vị, tương ứng hơn 9.774 tỷ đồng. Toàn sàn có 138 mã tăng giá, 305 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,82 điểm xuống 265,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 46,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.043,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng giá, 100 mã giảm giá và 73 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,28 điểm xuống 88,23 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 432 triệu đơn vị, tương ứng hơn 432 tỷ đồng. Toàn sàn có 149 mã tăng giá, 107 mã giảm giá và 84 mã đứng giá.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên hôm nay. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 122,05 tỷ đồng trên HOSE và 15,86 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng 9,29 tỷ đồng trên HNX.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 26 mã giảm giá, trong khi chỉ có 3 mã tăng giá.
Các mã giảm giá mạnh như KDH giảm 5,8%, MWG giảm 2,4%, MWG giảm 2,4%, VRE giảm 1,5%, VIC giảm 1,3%, VHM giảm 1%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm sâu. Tại nhóm cổ phiếu này, chỉ còn duy nhất VBB tăng giá.
Các mã NVB giảm 4,7%, EIB giảm 2,3%, STB giảm 1,8%, CTG giảm 1,7%, TCB giảm 1,6%, OCB giảm 1,5%, ACB và BAB giảm 1,3%... Cùng đó, sắc đỏ cũng lan rộng sang nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán.
Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng giá. Trong nhóm này chỉ còn duy nhất PLX giảm nhẹ 0,3%.
Các mã BSR, OIL, PTV, PVB, PVC, PVD, PVS ở chiều giá xanh. Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm giá cũng nằm trong xu hướng giảm chung của thế giới.
Trước đó, chứng khoán thế giới thoái lui trong phiên 20/9, khi các nhà đầu tư chờ đợi thông báo của Fed về đợt tăng lãi suất tiếp theo.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1% xuống 30.706,23 điểm.
Chỉ số S&P 500 sụt mất 1,1% xuống 3.855,93 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 1% và khép phiên ở mức 11.425,05 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng suy giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,6% xuống 7.192,66 điểm khi mở cửa trở lại sau tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II hôm 19/9.
Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 1% xuống 12.670,83 điểm khi tin tức về việc giá nhà sản xuất Đức tăng cao càng làm gia tăng lo ngại lạm phát.
Việc Chính phủ Đức dường như sắp quốc hữu hóa công ty năng lượng Uniper cũng khiến thị trường bất an trong phiên này.
Cùng với đó, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 1,4% xuống 5.979,47 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,9% xuống 3.467,09 điểm.
Phố Wall đã bị khuấy động trong những ngày gần đây bởi những phát ngôn mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương, đặc biệt khi Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 20-21/9 (giờ địa phương).
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) dự kiến sẽ công bố quyết định vào lúc 23 giờ 00 phút (giờ Việt Nam) ngày 21/9. Thông báo này là tâm điểm chính của các thị trường, sau khi số liệu tuần trước cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ vẫn đang tăng với tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980.
Thị trường cũng dự kiến Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ đưa ra mức tăng lãi suất tương tự Fed trong tuần này, vì cả hai quốc gia đều hướng tới việc giải quyết lạm phát phi mã.
Một thông tin cũng khiến giới đầu tư chú ý là Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã công bố mức tăng lãi suất lớn nhất trong ba thập kỷ trước đó vào cùng ngày. Với động thái này, Thụy Điển đã đưa lãi suất chính sách lên mức 1,75%.
Nhà phân tích Neil Wilson của nền tảng giao dịch trực tuyến Markets.com cho hay việc Thụy Điển tăng lãi suất nhấn mạnh mức độ nghiêm túc của các ngân hàng trung ương khi đối phó với mối đe dọa lạm phát.
Điều đó khiến Fed lẫn BoE gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tuần này, qua đó làm “bốc hơi” sự lạc quan ban đầu của nhà đầu tư./.