Câu chuyện thế giới chân thực qua LHP Tài liệu châu Âu-Việt Nam
Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam sẽ kéo dài trong 7 ngày, mang đến góc nhìn khách quan với những chủ đề thời sự, tạo điều kiện giao lưu văn hóa về góc nhìn, cách thức giữa Việt Nam và quốc tế.
Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu-Việt Nam lần thứ 13 sẽ trở lại trong tháng 9, kéo dài từ 22/9-28/9 tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đơn vị tổ chức là EUNIC-Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ các nước châu Âu, Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (DSF).
Sẽ có 19 tác phẩm điện ảnh tham gia trong liên hoan phim này, gồm 12 phim Việt Nam và 7 tác phẩm nước ngoài đến từ Áo, Bỉ (thuộc khối Wallonie-Bruxelles), Đức, Italy, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Phần Lan.
Hai trong số nhiều chủ đề lớn xuyên suốt liên hoan phim là bảo vệ môi trường và quyền phụ nữ, quyền con người. Vương quốc Anh, Áo lần lượt mang đến những "Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu" và "Rác ơi về đâu," song song với đó là "Rác ơi về đâu" và "Đường về hoang dã" của Việt Nam. Đây là một chủ đề quan trọng, đặc biệt khi hai nước có nhiều quan hệ hợp tác, hỗ trợ đặc biệt giữa hai nước.
[Phim tài liệu Việt thắng đối thủ điện ảnh quốc tế tại DANAFF lần 1]
Về phía Vương quốc Anh, Giám đốc Hội đồng Anh - bà Donna McGowan đánh giá chủ đề và dịp chiếu phim này rất có ý nghĩa trong mối quan hệ ngoại giao Việt-Anh, 30 năm Hội đồng Anh tại Việt Nam.
"Khí hậu và môi trường là chủ đề đáng chú ý giữa hai nước, từ trước đến nay chúng ta cũng đã có rất nhiều dự án ở chủ đề này giữa hai nước. Đây là vấn đề toàn cầu. Chúng tôi tin là chủ đề này sẽ tạo hứng thú cho khán giả Việt, khi mà Việt Nam là một trong những nước dễ chịu ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu," bà Donna McGowan chia sẻ.
Phim với góc nhìn về môi trường còn có "Vesuvio hay cách họ học sống giữa các núi lửa" của Italy, kể về một vùng đất có thiên nhiên trù phù nhưng đầy hiểm họa.
Bỉ mang đến tác phẩm "Cô gái mang tên Tania" trải rộng trên cả hai đề tài về môi trường và con người, trao quyền cho nữ giới. Trong khi đó, Việt Nam có "Người chuyển giới và quyền tự quyết với cơ thể" và "Những đứa trẻ trong sương" (từng lọt top 15 Oscar) xoay phim chủ đề về nữ giới và trẻ em gái.
Bên cạnh đó, liên hoan phim còn mang đến 2 tác phẩm hợp tác Việt Nam-quốc tế. Đó là "Muntadas ở Hà Nội: Diễn giải về đô thị từ góc nhìn Tây Ban Nha-Việt Nam" do một đạo diễn và biên kịch Việt thực hiện. Nhân vật chính làm một nghệ sỹ Tây Ban Nha nổi tiếng - Antoni Muntadas - trên hành trình khám phá Hà Nội lần đầu.
Còn "Kẻ thù của tôi, bạn của tôi" lại là hành trình một cựu phi công Mỹ đi tìm lại "đối thủ" khi xưa ông từng bắn hạ. Qua chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly," ông gặp lại phi công Nguyễn Hồng Mỹ của Việt Nam, từ đó, một tình bạn mới ra đời.
Về chương trình này, Phó Giám đốc Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương nhận xét liên hoan phim kể từ khi nhen nhóm ý tưởng đã cho thấy một ý nghĩa ngoại giao văn hóa. "Chúng tôi cố gắng chọn những phim gần gũi với sự tiếp cận của họ, cũng như có sự tương đồng chung, ví dụ vấn đề môi trường, rác thải, với cách kể chuyện và phương thức khai thác khác nhau. Việc này tạo điều kiện cho đạo diễn, khán giả trong nước học hỏi cách làm phim, kể chuyện, nhìn nhận đề tài của tác giả nước ngoài," ông Tùng nhận xét.
Qua chương trình, đại diện hãng phim rất muốn biến địa chỉ 465 Hoàng Hoa Thám (hãng phim) trở thành nơi chiếu phim tài liệu quen thuộc, thường xuyên, mang đến cả các phim Việt Nam và thế giới, thuộc cả lĩnh vực thương mại đến độc lập.
Ông Trịnh Quang Tùng nhân định năm nay các tác phẩm Việt Nam tiếp tục giữ đạt chất lượng cao, được kiểm chứng qua các giải thưởng trong và ngoài nước, giúp khán giả thấy một góc nhìn đương đại, chân thực với đời sống qua ngôn ngữ điện ảnh tài liệu của tác giả trong nước.
Loạt phim sẽ được chiếu miễn phí tại hai địa điểm phòng chiếu Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội); rạp Dcine (9 Tôn Đức Thắng, phường 6, Thành phố Hồ Chí Minh).
Lịch chiếu phim: