Giáo đường Do Thái Cổ ở Erfurt-Đức được công nhận là Di sản Thế giới
Giáo đường Do Thái Cổ ở Erfurt là một tòa nhà bằng đá trong đó có Phòng tắm Nghi lễ Truyền thống được xây dựng từ thế kỷ XIII minh họa cuộc sống gia đình người Do Thái trong thời Trung cổ.
Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 17/9 đã công nhận quần thể gồm một số vị trí ở thành phố Erfurt, phía Đông nước Đức là Di sản Thế giới.
Đây là lần thứ hai di sản của người Do Thái ở Đức được đưa vào danh sách của ủy ban trên trong những năm gần đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, trong số các địa điểm được công nhận có Giáo đường Do Thái Cổ ở Erfurt, một tòa nhà bằng đá trong đó có Phòng tắm Nghi lễ Truyền thống được xây dựng từ thế kỷ XIII minh họa cuộc sống gia đình người Do Thái trong thời Trung cổ.
Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới ở Riyadh, Saudi Arabia, dưới sự bảo trợ của UNESCO.
[UNESCO: Thành cổ Jericho là Di sản Thế giới của người Palestine]
Các Di sản của người Do Thái ở Erfurt có lịch sử lâu đời nhưng phần lớn đã bị lãng quên.
Sau các cuộc tàn sát vào thế kỷ XIV đẩy phần lớn người Do Thái ở Erfurt ra khỏi thành phố, Giáo đường Do Thái cổ được sử dụng làm nhà kho, sau đó là nhà hàng và vũ trường.
Tầm quan trọng lịch sử của nó chỉ được khám phá lại và phục dựng vào năm 1988.
Ông Maria Boehmer, Chủ tịch Ủy ban UNESCO của Đức, cho biết: “Các di tích của người Do Thái ở Erfurt gần như bị lãng quên trong nhiều thế kỷ. Việc khám phá lại chúng là một món quà tuyệt vời.”
Trong khi đó, Đại sứ của Đức tại UNESCO Kerstin Puerschel, trong một tuyên bố cùng ngày cho biết: “Việc UNESCO đưa Giáo đường Do Thái Cổ tại Erfurt vào Danh sách Di sản Thế giới đóng góp quan trọng hơn nữa trong việc làm cho nguồn gốc chung của người Do Thái và Cơ đốc Giáo ở Đức và châu Âu trở nên rõ ràng và bảo tồn chúng cho tương lai.”
Theo đó, quyết định của UNESCO nâng tổng số Di sản Thế giới ở Đức lên 52./.