Cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ mới bàn giao được 47% mặt bằng để thi công

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ vẫn còn vướng nhiều vị trí chưa được giao mặt bằng dẫn đến việc thi công của nhà thầu gặp khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa có công điện gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng trị đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Vạn Ninh-Cam Lộ thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Nhấn mạnh cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ đã được khởi công vào ngày 1/1/2023 và Bộ Giao thông Vận tải đang quyết liệt chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nhà thầu tập trung thi công ngay từ giai đoạn đầu của dự án, Bộ trưởng Thắng cho hay, đến nay, các nhà thầu đã xây dựng lán trại, huy động máy móc, thiết bị và đã triển khai thi công đồng loạt trên tất cả các gói thầu.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các đơn vị thi công, thực tế phạm vi mặt bằng để nhà thầu có thể thi công chỉ được khoảng 15,35/32,5km đạt 47%.

Phần còn lại chưa bàn giao 12,32/32,5km, bao gồm 21 đoạn, trong đó huyện Vĩnh Linh 11 đoạn, tổng chiều dài 5,75km, 138 hộ phải tái định cư; huyện Gio Linh 6 đoạn, tổng chiều dài 4,99km, 119 hộ tái định cư; huyện Cam Lộ 5 đoạn, tổng chiều dài 1,58km, 220 hộ tái định cư; 61 công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.

Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra nguyên nhân chậm và vướng mắc về mặt bằng do người dân chưa được nhận tiền đền bù hoặc khiếu kiện về giá đền bù; một số vị trí đường tiếp cận công trường chưa được bàn giao mặt bằng; một số trường hợp đất người dân khai hoang chưa đủ thủ tục để bồi thường đang chờ địa phương giải quyết; chưa thực hiện di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; chưa hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, chưa bố trí đủ nhân lực cho công tác giải phóng mặt bằng...

[Quảng Trị yêu cầu bàn giao mặt bằng cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ trước 30/6]

Để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo chủ đầu tư, các cơ quan đơn vị liên quan khẩn trương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Cụ thể, đối với các khu vực đã bàn giao mặt bằng nhưng còn vướng mắc chưa thể thi công, tỉnh Quảng Trị tăng cường lực lượng để đẩy nhanh việc chi trả, đền bù; tập trung giải quyết các khiếu nại của người dân về giá đền bù; xem xét bố trí tạm cư cho các hộ dân khi chưa hoàn thành khu tái định cư; thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng đến thi công; ưu tiên giải phóng mặt bằng đường tiếp cận, đường công vụ, các vị trí xen kẹp, “xôi đỗ”... để các nhà thầu có mặt bằng, đủ công địa thi công theo đúng kế hoạch trong tháng 3/2023.

Với các vị trí chưa bàn giao mặt bằng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng trong tháng 3/2023 đối với các vị trí đường tiếp cận công trường, đường công vụ, các vị trí nền đường đào để điều phối vật liệu đắp nền đường, các vị trí công trình cầu, các đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu;

Ngoài ra, địa phương đẩy nhanh công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư để tổ chức tái định cư cho người dân; trong khi chưa hoàn thành cần có phương án bố trí tạm cư để các hộ dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án; đẩy nhanh phê duyệt phương án đền bù, thực hiện chi trả; khẩn trương lập phương án di dời, phê duyệt và thực hiện di dời các công trình hạ tầng ảnh hưởng đến việc thi công để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban quản lý dự án Hồ Chí Minh trước ngày 30/6/2023.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh rà soát cung cấp các vị trí cần ưu tiên triển khai GPMB, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư./.

Việt Hùng (Vietnam+)