TP.HCM: Gỡ khó, triển khai hiệu quả chương trình GD phổ thông mới

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, tình trạng thiếu trường, lớp, đội ngũ giáo viên khiến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn.

(Ảnh. Thanh Tùng/TTXVN)

Dù có sự quan tâm đầu tư lớn cho giáo dục thông qua nhiều chương trình, đề án được triển khai nhưng số trường lớp ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện có chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu thực tế khi tốc độ gia tăng dân số cơ học, tăng học sinh mỗi năm rất cao.

Tình trạng thiếu trường, lớp, đội ngũ giáo viên khiến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới ở thành phố gặp nhiều khó khăn.

Thiếu trường lớp

Mỗi năm học thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh các cấp. Để đảm bảo số trường, lớp đáp ứng yêu cầu dạy và học, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Với nhiều nỗ lực triển khai, đến nay, toàn thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân. Dù đã tiệm cận chỉ tiêu đề ra, trên thực tế, tỷ lệ này không đồng đều giữa các bậc học, giữa các địa bàn, có địa phương tỷ lệ còn rất thấp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra yêu cầu phải tổ chức học 2 buổi/ngày đối với bậc Tiểu học. Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu 100% học sinh các bậc học được học 2 buổi/ngày.

Tuy nhiên, địa phương đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tại nhiều nơi còn ở mức thấp. Đơn cử, ở bậc Tiểu học, hiện toàn thành phố đạt 74,8% học sinh học 2 buổi/ngày nhưng tại nhiều quận, huyện mới chỉ đạt trên 20%. Tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở bậc Trung học Cơ sở là 63,2%, Trung học Phổ thông là 95,3%.

[Bảo đảm chất lượng giáo viên theo yêu cầu chương trình giáo dục mới]

Nhiều trường thiếu phòng học phải mượn tạm phòng học của cơ sở khác gần trường. Một số trường sử dụng phòng chức năng làm phòng học nên chưa đảm bảo đủ phòng chức năng theo quy định.

Quận 12 là một trong những địa phương chịu áp lực rất lớn về trường lớp. Bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 12 cho biết đến cuối 2022, toàn quận có 2.874 phòng học, với 122.413 người trong độ tuổi đi học, đạt 235 phòng học/10.000 dân.

Dự kiến đến năm 2025, quận có 132.895 dân trong tuổi đi học và số phòng học cần có thêm là 1.700. So sánh tốc độ tăng dân số với tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường học cho thấy quận rất khó có thể đạt được chỉ tiêu.

Nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng trường học gặp khó theo bà Võ Thị Chính là do thủ tục theo quy định đầu tư công rất phức tạp, mặt khác quận thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án xây dựng trường học.

Tương tự, quận Gò Vấp mới đạt 205 phòng học/10.000 dân, còn cách xa mục tiêu đề ra. Bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận Gò Vấp cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu đền bù giải phóng mặt bằng để có đất sạch triển khai dự án trường học.

Vì thế, địa phương đề xuất thành phố xem xét điều chỉnh giá bồi thường ở mức phù hợp hoặc có thể xem xét điều chỉnh một phần quỹ đất công nghiệp để bổ sung quỹ đất xây dựng trường học, từ đó có thêm quỹ đất sạch cho việc xây trường.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện có 12 quận, huyện đã đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Nhiều quận, huyện chưa đạt chỉ tiêu đề ra, thậm chí, trong xác định không thể đạt được chỉ tiêu này trong kế hoạch dự kiến đến năm 2025.

Cụ thể, Quận 4 dự kiến đến năm 2025 chỉ đạt 289 phòng học, Quận 12 dự kiến đạt được 240 phòng học, quận Gò Vấp dự kiến đạt 220 phòng học.

Tính chung toàn thành phố, dự kiến đến 2025 cần thêm hơn 7.700 phòng học để có thể đạt mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học nhưng theo kế hoạch dự kiến chỉ xây được hơn 3.300 phòng học, thiếu hơn 4.000 phòng.

Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng

Số học sinh hằng năm cao không chỉ tăng áp lực về cơ sở vật chất trường lớp, việc đảm bảo số lượng đội ngũ giáo viên cũng là khó khăn đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là đội ngũ giáo viên cho môn học mới khi triển khai chương trình mới.

Học sinh trường Tiểu học Bùi Văn Mới (thành phố Thủ Đức). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Nguyên nhân không chỉ là thiếu nguồn tuyển dụng do các trường đào tạo sư phạm chưa đáp ứng mà việc thu hút sinh viên sư phạm đến với nghề giáo cũng khó do chính sách về thu nhập chưa tốt.

Hiện nay, đa số các trường ở các bậc học tại Thành phố Hồ Chí Minh đều gặp khó khi tuyển giáo viên môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Tiểu học là bậc học thiếu nhiều giáo viên nhất. Ở bậc học này, thành phố đang thiếu hơn 3.600 giáo viên, tương đương 12,8% số giáo viên cần có.

Nhiều môn, nhiều năm qua rất khó tuyển dụng giáo viên đó như Mỹ thuật, Tin học, Tổng Phụ trách, các môn này chỉ tuyển được gần 10% so với nhu cầu. Môn tiếng Anh tương tự, số giáo viên tuyển được chỉ đạt 25% so với nhu cầu.

Các địa phương tổ chức tuyển dụng thường xuyên nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu giáo viên ở các trường. Tại thành phố Thủ Đức, qua 3 đợt tuyển dụng cũng chỉ tuyển được 700 giáo viên, trong khi nhu cầu tuyển là 1.400 giáo viên. Số giáo viên thiếu chủ yếu ở các môn Lịch sử, Địa lý bậc Trung học Cơ sở và giáo viên tiếng Anh Tiểu học. Quận 6 cũng trong tình trạng tương tự, giáo viên thiếu chủ yếu ở các môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật ở bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở.

Đây cũng là tình trạng chung ở nhiều địa phương, dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc bố trí giáo viên dạy học đảm bảo theo yêu cầu, nhất là khi triển khai chương trình mới.

Nhằm đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy học, ngành giáo dục thành phố đã triển khai nhiều giải pháp tình thế như thí điểm mô hình lớp học số hoặc phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường, hướng dẫn các trường thực hiện hợp đồng giáo viên...

Bên cạnh tình trạng thiếu giáo viên, vấn đề đảm bảo chất lượng giáo viên để triển khai chương trình mới cũng gặp khó khăn khi đội ngũ này chưa được đào tạo bài bản, chỉ qua lớp bồi dưỡng, tập huấn.

Cô Võ Thị Bảo Ngọc, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan chia sẻ, vốn là giáo viên được đào tạo dạy đơn môn, bản thân cô gặp nhiều khó khăn trong việc truyền tải kiến thức tích hợp đa môn.

Nếu như trước đây, giáo viên được đào tạo đơn môn 4 năm ở bậc đại học mới có thể đứng lớp, nay chỉ qua khóa đào tạo, bồi dưỡng vài tháng, giáo viên dạy đơn môn phải đảm đương ba phân môn (Khoa học tự nhiên), hai môn (Lịch sử và Địa lý).

Theo cô Bảo Ngọc, những kiến thức cơ bản, thầy cô có thể đảm bảo nhưng kiến thức chuyên sâu sẽ rất khó, vì giáo viên chưa có thời gian nghiên cứu, cập nhật thêm kiến thức được tích hợp. Từ đó, giáo viên chưa thực sự tự tin trong việc truyền thụ kiến thức đến học sinh.

Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh) chia sẻ chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực mà nhà trường, xã hội kỳ vọng.

Cách tiếp cận này đặt ra yêu cầu khá nặng nề với giáo viên. Bên cạnh năng lực chuyên môn, giáo viên cần sử dụng phương pháp dạy học tích cực kết hợp với các kỹ thuật dạy học từ đó phát huy được tính chủ động của học sinh.

Cùng với sự chủ động học hỏi của giáo viên, nhà trường tăng cường các hoạt động trao đổi chuyên môn trong tổ bộ môn, qua đó giúp giáo viên dần thích ứng với điều kiện dạy học mới./.

Bài 1: Những tín hiệu tích cực của chương trình giáo dục phổ thông mới

Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp

Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)