Các nhà máy lọc dầu tư nhân Trung Quốc đứng trước nguy cơ phá sản

Chuyên gia nhận định do tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ Trung Quốc sẽ còn tăng thêm nên có thể chứng kiến nhiều nhà máy lọc dầu tư nhân đóng cửa, cả tạm thời lẫn vĩnh viễn.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân, hay còn gọi là "teapot" chiếm hơn 20% công suất lọc dầu của Trung Quốc, đang đứng trước nguy cơ phá sản trong năm 2025 khi chính phủ nước này quyết liệt xử lý tình trạng dư thừa công suất trong ngành.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân, chủ yếu tập trung ở tỉnh Sơn Đông, vốn nổi tiếng là những doanh nghiệp xoay sở linh hoạt với lợi nhuận thấp, nhưng giờ đây có thể đang tiến đến điểm giới hạn.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và các nhà máy lọc dầu tư nhân đã thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong hơn 10 năm qua. Tuy nhiên, ba công ty ở Sơn Đông đã phá sản vào cuối năm 2024 và các chuyên gia dự đoán sẽ có thêm nhiều vụ phá sản khác.

Nhà phân tích Mia Geng tại công ty tư vấn ngành FGE nhận định năm 2025, tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ Trung Quốc sẽ còn tăng thêm. Chúng ta có thể chứng kiến nhiều nhà máy lọc dầu tư nhân đóng cửa, cả tạm thời lẫn vĩnh viễn.

Sơn Đông - "Thủ phủ" của các nhà máy lọc dầu tư nhân

Các nhà máy lọc dầu tư nhân rơi vào tình cảnh khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và chuyển hướng sang nền kinh tế xanh hơn. Sự phát triển của xe điện đang làm giảm nhu cầu đối với xăng và dầu diesel. Thêm vào đó, chính quyền địa phương không còn sẵn sàng bảo vệ các doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ thuế. Hơn nữa, việc siết chặt các quy định đối với dầu giá rẻ từ Nga và Iran đang làm cản trở nguồn cung của họ.

Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực chuyển hướng tăng trưởng kinh tế khỏi các ngành công nghiệp nặng, đặt ra giới hạn công suất lọc dầu trên toàn quốc là 1 tỷ tấn mỗi năm vào năm 2025. Điều này tạo điều kiện cho các nhà máy lọc dầu quy mô lớn, hiệu quả cao như nhà máy của Shandong Yulong Petrochemical Co. đi vào hoạt động vào tháng 9/2024, đồng nghĩa với việc các nhà máy nhỏ hơn, kém lợi nhuận hơn sẽ phải đóng cửa.

Các nhà nghiên cứu tại Sinopec, công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, cho biết việc hợp nhất có thể buộc 6-10 triệu tấn công suất phải đóng cửa trên toàn quốc trong năm nay.

Công ty Energy Aspects Ltd. có trụ sở tại London đưa ra con số cao hơn là 15 triệu tấn, và cho rằng năm 2025 là "thời điểm thích hợp để tăng áp lực lên các 'teapot'."

Gánh nặng thuế

Các chỉ thị khác của chính phủ về hiệu quả năng lượng bao gồm việc đóng cửa các đơn vị chưng cất dầu thô nhỏ hơn trong năm 2025. Theo nhà phân tích Wang Yanting của công ty tư vấn Trung Quốc JLC, khoảng 9 triệu tấn công suất chỉ riêng ở Sơn Đông đáp ứng ngưỡng này.

Nhu cầu tăng thu thuế của Trung Quốc cũng gây ra những tác động tiêu cực đối với một lĩnh vực này.

Theo nghiên cứu của China National Petroleum Corp., khoảng 40% xăng và dầu diesel được các nhà máy lọc dầu tư nhân bán ra đã không bị đánh thuế đúng mức trong năm 2024.

Hồi tháng 9/2024, chính quyền tỉnh Sơn Đông đã yêu cầu các nhà máy lọc dầu tư nhân trả lại một số khoản hoàn thuế đối với dầu nhiên liệu nhập khẩu của họ.

Theo Mysteel OilChem, dầu nhiên liệu là một lựa chọn thay thế cho các nhà máy nhỏ hơn không có hạn ngạch nhập khẩu dầu thô của chính phủ, chiếm khoảng 10% nguyên liệu đầu vào của các nhà máy lọc dầu tư nhân.

Chính quyền tỉnh Sơn Đông đã không phản hồi về thông tin trên. Tuy nhiên, sự chú ý vào vấn đề thuế là một dấu hiệu đáng lo ngại khi tỉnh này, vốn phụ thuộc vào ngành lọc dầu để tạo việc làm và phát triển kinh tế, thường đối xử rất khoan dung với các nhà máy lọc dầu tư nhân.

Tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có lập trường cứng rắn hơn về thương mại với Iran. Các nhà máy lọc dầu tư nhân đang hoạt động ở mức 55% công suất trở xuống và có thể sẽ còn giảm hơn nữa hoặc đóng cửa nhà máy để bảo trì trong thời gian dài hơn./.