Lạnh giá kéo dài khiến dự trữ khí đốt của châu Âu giảm với tốc độ nhanh nhất

Số liệu mới nhất cho biết dự trữ khí đốt tại châu Âu hiện chỉ đạt 70% công suất, giảm mạnh so với mức 86% cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá kéo dài.

Trữ lượng khí đốt của châu Âu đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 5 năm qua do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá kéo dài.

Số liệu mới nhất cho biết dự trữ khí đốt tại châu Âu hiện chỉ đạt 70% công suất, giảm mạnh so với mức 86% cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tình trạng thiếu hụt chưa xảy ra, nhưng việc tái bổ sung nguồn dự trữ sau mùa Đông dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây biến động giá khí đốt trong ngắn hạn.

Tại thời điểm sáng 6/1, giá khí đốt chuẩn châu Âu TTF tại Hà Lan đã tăng lên gần 49 euro/MWh, sau nhiều ngày tăng liên tiếp gần đây. Nguyên nhân chính là do Nga đã chính thức "khóa van" dòng chảy khí đốt qua Ukraine tới châu Âu kể từ ngày 1/1/2025, khi thỏa thuận quá cảnh 5 năm giữa hai nước hết hạn. Chỉ 3 tuần trước, giá khí đốt TTF vẫn ở mức 40 euro/MWh tại thời điểm ngày 16/12/2024.

Nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho khu vực, châu Âu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng các tàu chuyên dụng.

Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá trong mùa Đông bao phủ hầu hết các nước trong khu vực đang khiến nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh và phải lấy từ nguồn dự trữ hiện có.

Giới chuyên gia nhận định, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, châu Âu sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc tái lập mức dự trữ an toàn trước mùa Đông năm sau và điều này có thể khiến giá khí đốt tăng mạnh trên thị trường năng lượng quốc tế trong thời gian tới.

Trước viễn cảnh đó, các nhà lãnh đạo khu vực đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp dài hạn nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào các nguồn cung bên ngoài, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo./.