Các chính phủ đối mặt với những vấn đề kinh tế lớn trong năm 2025

Số liệu mới nhất cho thấy GDP của Anh đang đi ngang, với niềm tin yếu, khi các doanh nghiệp chuẩn bị cho khoản đóng góp bảo hiểm quốc gia của người sử dụng lao động tăng 25 tỷ bảng vào tháng 4/2025.

Tháng Một luôn là thời điểm cho những khởi đầu mới và những suy nghĩ mới mẻ. Nhưng với việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và một chính phủ của Công đảng chèo lái nền kinh tế Anh, sự khởi đầu của năm 2025 đặt ra một số câu hỏi lớn cần suy ngẫm.

Liệu Công đảng có thúc đẩy nền kinh tế Anh mạnh hơn như đã cam kết với cử tri?

Dù nền kinh tế có các dấu hiệu phục hồi, số liệu mới nhất cho thấy GDP của Anh đang đi ngang, với niềm tin yếu, khi các doanh nghiệp chuẩn bị cho khoản đóng góp bảo hiểm quốc gia (NIC) của người sử dụng lao động tăng 25 tỷ bảng (31,3 tỷ USD) vào tháng 4/2025.

Vì Công đảng đã loại trừ mọi nguồn thu lớn khác nên NIC là một trong số ít nguồn thu mà Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves có thể trông cậy để tài trợ cho các dịch vụ công.

Nhưng điều này đã gây ra phản ứng dữ dội và đưa đến một câu chuyện rằng Công đảng đã làm tê liệt nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đã được dự báo sẽ chậm lại, với lãi suất ở mức 4,75% và Ngân hàng trung ương Anh đang lo ngại về lạm phát.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 2% trong năm 2025, nhờ chi tiêu công cao hơn sẽ thúc đẩy nhu cầu. Và việc lương thực tế tăng mạnh sẽ tạo sức mua cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các số liệu gần đây cho thấy rủi ro suy giảm là không nhỏ.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có phải là bong bóng?

Một số nghi ngờ về AI đang bắt đầu xuất hiện. Việc phân tích báo cáo tài chính của OpenAI, công ty đã phát triển ChatGPT, đã khiến một số người cho rằng ChatGPT không thể tạo ra lợi nhuận để lý giải cho mức định giá hơn 150 tỷ USD của OpenAI.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, Daron Acemoglu, cho rằng tác động kinh tế của AI đối với năng suất và việc làm sẽ thấp hơn nhiều so với tuyên bố của một số công ty dẫn đầu về công nghệ này.

Và trên cơ sở rõ ràng hơn nhiều, nhà báo về công nghệ Ed Zitron đã đào sâu vào các báo cáo tài chính của OpenAI để lập luận rằng ChatGPT không thể tạo ra lợi nhuận để biện minh cho mức định giá hơn 150 tỷ USD của công ty đã phát triển ứng dụng này.

Có những nghi ngờ dai dẳng về việc liệu những công nghệ này có đúng như những tuyên bố hay không. Với sự dẫn đầu của lĩnh vực công nghệ trên các thị trường tài chính của Mỹ, nếu nỗi sợ hãi lan rộng hơn, thì điều này sẽ dẫn đến một đợt rung chuyển mạnh trên thị trường.

Các nền kinh tế EU có thể lấy lại động lực không?

Ông Mario Draghi, người từng cam kết sẽ làm “bất cứ điều gì” để cứu Khu vực sử dụng đồng euro, đã công bố một báo cáo quan trọng vào năm 2024 nêu rõ điều mà ông gọi là “thách thức hiện hữu” đối với các nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).

Các khuyến nghị của ông bao gồm sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư của khu vực công và tư nhân, cũng như sự phối hợp chính sách chặt chẽ hơn nhiều trong toàn khối.

Nhưng "toa thuốc" mà ông kê đã bị hủy khi các nền kinh tế lớn nhất của EU là Đức và Pháp phải đối mặt với khủng hoảng chính trị, với các đảng dân túy ở cả hai nước đang hướng tới chủ nghĩa dân tộc kinh tế và phản đối sự hội nhập sâu hơn của EU.

Cả hai nước đều phải đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm vào năm 2025, khi Ủy ban châu Âu dự kiến mức tăng trưởng chỉ 0,7% ở Đức và 0,8% ở Pháp.

Sự liên kết giữa chính trị và kinh tế trong năm nay ở một số quốc gia thành viên lớn hơn của EU có thể quyết định liệu khối này có chú ý đến cảnh báo của ông Draghi hay không hay phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng mới.

Liệu thuế quan của Trump có gây ra cuộc chiến thương mại?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thuế đối với Mexico và Canada cũng như các mức thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Ông Trump sẽ quay lại Nhà Trắng vào cuối tháng này với quyết tâm sử dụng thuế nhập khẩu như một vũ khí kinh tế và chính trị.Người được ông Trump chọn làm Bộ trưởng Tài chính, ông Scott Bessent, trước đây đã gọi kế hoạch thuế quan là một cách để đạt được những nhượng bộ chứ không phải là mục đích cuối cùng.

Giống như các rào cản thương mại trước đây, bao gồm cả thuế quan do chính quyền của ông Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu tiên đối với hàng hóa của Trung Quốc, kế hoạch mới nhất này sẽ không khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ.

Kế hoạch thuế quan mới sẽ làm tăng giá hàng hóa và xấu nhất là sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại tốn thời gian, làm giảm đáng kể tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Liệu các nhà hoạch định chính sách kinh tế có thức tỉnh trước tình trạng khẩn cấp về khí hậu?

Đây không phải là một câu hỏi mới nhưng càng trở nên cấp thiết hơn sau mỗi năm. Vào năm 2024, thế giới đã chứng kiến một loạt hiện tượng thời tiết khác thường. Những hiện tượng này làm tăng giá của những mặt hàng quan trọng và đòi hỏi con người phải thích ứng một cách tốn kém.

Một bài báo gần đây của Trường Kinh tế London đề xuất các nhà hoạch định chính sách phải sẵn sàng thích ứng với thực tế mới này như cho phép các ngân hàng trung ương chấp nhận mức lạm phát cao hơn do các cú sốc nguồn cung mà nguyên nhân là biến đổi khí hậu, thay vì kìm hãm sự tăng trưởng bằng việc tăng lãi suất.

Liệu năm 2025 có phải là năm mà việc thừa nhận nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động lớn do tình trạng nóng lên toàn cầu trở thành xu hướng chủ đạo?

Hy vọng cho điều này không lớn, nhưng khi ông Trump lên nắm quyền, những thiệt hại về kinh tế do tình trạng khẩn cấp về khí hậu có thể sẽ tiếp tục gia tăng./.