Các nhà giáo kiến nghị chính sách dành cho học sinh vùng khó
Đại diện các thầy cô giáo đã chia sẻ những câu chuyện cảm động và đầy tâm huyết về hành trình dạy học; những khó khăn đang gặp phải và đề xuất chế độ chính sách cho học trò cùng đội ngũ giáo viên.
Trong chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ ngành Giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) do bốn cơ quan báo chí: Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, diễn ra chiều 17/11, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hà Nội), đại diện các thầy cô giáo ở các cấp học đã chia sẻ những câu chuyện cảm động và đầy tâm huyết về hành trình dạy học của mình; những khó khăn đang gặp phải và đề xuất chế độ chính sách cho học trò cùng đội ngũ giáo viên.
Cần thêm chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số
Là giáo viên mầm non, cô H’Phen Êya, Trường Mầm non Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông chia sẻ: Được sinh sống và làm việc tại nơi mà cuộc sống của người dân, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi còn rất cao đã khiến chúng tôi, những người làm giáo dục không khỏi trăn trở nhiều.
Thực trạng cuộc sống khó khăn của người dân và học sinh nơi đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự tập trung chú ý của trẻ trong các hoạt động giáo dục; số lượng trẻ đến lớp mỗi ngày không duy trì đảm bảo.
Nguyên nhân sâu xa là do nhận thức của phụ huynh người đồng bào dân tộc thiểu số chưa thật sự chú trọng và quan tâm đến việc đưa trẻ đi học mầm non, hầu hết các gia đình cho trẻ ở nhà để trẻ tự chơi, hoặc chơi với ông bà, anh chị, nên tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi đến trường chưa đảm bảo.
Đặc biệt, một số gia đình không có tiền cho con ăn bán trú, đây là một khó khăn rất lớn đối với giáo viên trong công tác chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở trường mầm non.
Vì vậy, cô H’Phen Êya mong muốn Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm hơn nữa, có thêm nhiều chính sách đối với trẻ em người dân tộc thiểu số. Đồng thời, hỗ trợ đồ dùng, tài liệu, sách vở, dụng cụ, thiết bị học tập để các nhà trường có thêm phương tiện, thiết bị dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua 8 năm giảng dạy tại huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, thầy Nguyễn Văn Lên, giáo viên Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên huyện Ba Tơ bày tỏ trăn trở khi các học viên của trung tâm trên địa bàn đặc biệt khó khăn không nhận được chế độ hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn như những bạn bè cùng trang lứa đang học ở trường Trung học Phổ thông.
"Tôi mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến các học viên và các trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục Thường xuyên. Đặc biệt là quan tâm đến chế độ cho học viên đang tham gia học tại các cơ sở Giáo dục thường xuyên ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng miền núi, biên giới và hải đảo," thầy Nguyễn Văn Lên chia sẻ.
27 năm trong nghề dạy học, cô Hoàng Thị Thưu, Trường Tiểu học Hương Liên, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã gắn bó, dành thời gian dạy học cho học sinh đồng bào dân tộc Chứt.
Cô và đồng nghiệp đã tìm mọi giải pháp để học sinh chuyên cần đến trường, tự tin giao tiếp với thầy cô, bạn bè, hòa nhập tốt với tập thể lớp, thấy được đến trường vui hơn ở nhà, thích hơn ở bản.
Qua thực tế công tác, cô Hoàng Thị Thưu kiến nghị có chính sách đặc thù cho học sinh dân tộc thiểu số rất ít người ở trường công lập và giáo viên dạy học sinh dân tộc rất ít người để duy trì sự chuyên cần của học sinh, giảm bớt khó khăn, thiệt thòi của giáo viên; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xoá mù chữ và phổ cập giáo dục thành công.
Có áp lực mới có thành công
Bên cạnh những nỗ lực của các thầy cô giáo bám bản, bám trường nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, còn có những câu chuyện về những giáo viên đang hàng ngày trau dồi chuyên môn, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, chắp cánh cho ước mơ của học trò bay xa.
Giảng dạy tại Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, thầy Vương Trường Sơn đã nhiều năm đảm nhiệm vai trò dạy chính và chủ nhiệm Đội tuyển Học sinh Giỏi Quốc gia.
Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia của bộ môn Hóa học do thầy tham gia bồi dưỡng trong thời gian qua đã đoạt 3 giải Nhất, 26 giải Nhì, 28 giải Ba và 29 giải khuyến khích.
Đặc biệt, trong năm học 2022-2023, Đội tuyển Hóa học của tỉnh Bắc Giang đoạt 9 giải quốc gia, với 2 giải Nhất, có 1 học sinh giành Huy chương Bạc Olympic Hóa học Quốc tế AR-Beruniy tổ chức tại Uzbekistan.
Theo thầy Sơn, công việc của những người làm trong ngành Giáo dục chính là phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân tài cho đất nước. Đó là một sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của mỗi người làm thầy.
"Ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, tôi luôn tự nhủ mình phải đem hết tâm huyết trau dồi chuyên môn để giảng dạy cho học trò. Trong quá trình dạy học, tôi luôn tâm niệm việc học của các em chỉ thực sự lôi cuốn và có ý nghĩa khi bản thân các em là người chủ động biết phát hiện và khám phá. Vì thế, bên cạnh việc truyền đạt tri thức cho các em, tôi luôn tạo mọi điều kiện, khuyến khích các em phát huy năng lực tìm tòi và tự học của mình. Bởi thầy cô chỉ là người truyền lửa, truyền cảm hứng. Chỉ khi nào ngọn lửa đam mê ở các em được khơi gợi thì việc học tập chuyên sâu mới trở nên thú vị, bớt căng thẳng, áp lực," thầy Vương Trường Sơn tâm sự.
Bên cạnh đó, trong bất kỳ nghề nghiệp nào, bên cạnh những vinh quang cũng có không ít những khó khăn, trở ngại.
Thầy Sơn cho biết những giáo viên trường chuyên không chỉ giảng dạy những kiến thức chuyên sâu rất khó, khối lượng kiến thức rất nhiều mà còn phải thường xuyên cập nhật những thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ trên thế giới mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của các kì thi quốc gia và quốc tế.
Đó là một thử thách không hề nhỏ. Nhưng có áp lực thì mới có thành công. Càng vì thế, đội ngũ giáo viên càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa bởi những khó khăn gặp phải ngày hôm nay chính là điều kiện cho những thành công của ngày mai; là động lực để giáo viên say mê gieo những hạt giống tri thức đến với học trò./.