Tri ân ngành Giáo dục và hơn 30 giáo viên vùng khó nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam
"Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ đang công tác trong ngành nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam" do bốn cơ quan báo chí chủ lực tổ chức chiều 17/11.
Chiều nay, 17/11, bốn cơ quan báo chí chủ lực gồm Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức "Chương trình gặp mặt, tri ân cán bộ đang công tác trong ngành nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam."
Tham dự chương trình có lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo bốn cơ quan báo chí và hơn 30 thầy cô giáo tiêu biểu đang trực tiếp tham gia công tác giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng; trường phổ thông vùng khó khăn trên cả nước.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định các thế hệ nhà giáo đã nỗ lực khắc phục khó khăn, luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, là tấm gương sáng, tận tụy, tâm huyết với nghề.
Có những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh cả tuổi xuân của mình, hết lòng vì học sinh, bám trường, bám lớp, trở thành người cha, người mẹ thứ hai của các em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vùng biên giới, hải đảo.
Trong công cuộc đổi mới căn bản toàn diện và giáo dục hiện nay, khi còn nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học, thiếu giáo viên, đâu đó còn có sự chưa chia sẻ, cảm thông của xã hội, những khó khăn thách thức với thầy cô lại càng lớn hơn. Mặc dù vậy, quá trình đổi mới giáo dục của đất nước ta những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận khi hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Để có được những thành công đó, đội ngũ nhà giáo được xác định là một trong những yếu tố có tính quyết định.
Tổng biên tập Báo Nhân Dân cũng cho biết những năm qua, bốn cơ quan báo chí gồm Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục, nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách, bốn cơ quan báo chí sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành cũng như của các thầy cô giáo đồng thời là cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin trong xã hội.
Đây cũng là khẳng định của bà Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Phát biểu tại sự kiện, bà Vũ Việt Trang cho hay với nhiệm vụ lan tỏa và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội, các cơ quan báo chí đã luôn đồng hành cùng các thầy, cô trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Thông tin về ngành giáo dục và đào tạo là một nội dung quan trọng của các cơ quan báo chí. Ở một góc nhìn khác, người làm báo cũng luôn có được nguồn năng lượng tích cực, cảm hứng và cả những trăn trở khi khi tác nghiệp những đề tài về các thầy cô giáo.
Thông tin báo chí cũng góp phần làm rõ những chủ trương, chính sách, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội để cùng quyết tâm thực hiện những đổi mới trong ngành giáo dục để giáo dục Việt Nam phát huy được nguyên khí hiền tài đất nước và hội nhập với nền giáo dục quốc tế hiện đại.
Bên cạnh đó, thông tin báo chí đã phản ánh khách quan thực trạng của những hạn chế, bất cập gây cản trở sự phát triển của hoạt động giáo dục và sự tận tâm cống hiến của các nhà giáo. Qua đó, các cấp, các ngành phải cùng chung tay để có giải pháp tháo gỡ.
“Những nội dung trên đã được Thông tấn xã Việt Nam thông tin sinh động trong nhiều chuyên mục, bằng các loại hình và được công chúng đón nhận. Các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại các vùng biên viễn xa xôi cũng đã theo sát những thầy, cô bám trường, bám bản, hết lòng vì học sinh thân yêu,” bà Vũ Việt Trang nói.
Cũng theo Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang, cuộc gặp mặt hôm nay là sự bày tỏ tình cảm trân quý đến các thầy cô giáo nhân Ngày 20/11 của những người đã từng là học trò, từng là phụ huynh, một số nhà báo cũng từng kinh qua việc giảng dạy và nay đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
“Tôn sư - trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay, xây dựng nên một văn hóa hiếu học và bồi đắp đạo lý 'uống nước – nhớ nguồn' của dân tộc ta. Sự tôn vinh đặc biệt ấy xuất phát từ trọng trách cao cả của giáo dục là tạo nên những thế hệ người Việt Nam kiên cường, sáng tạo, trách nhiệm và giàu lòng nhân ái," Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang nhấn mạnh.
Trong chương trình, đại diện các thầy cô giáo ở các cấp học đã chia sẻ những câu chuyện về hành trình dạy học của mình. Đó là hành trình gieo mầm tri thức của những thầy cô đang nỗ lực không ngừng bám bản, bám trường ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, như cô giáo H’Phen ÊYa, giáo viên Trường Mầm non Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Đó là những tâm sự đầy xúc động cô Đặng Thị Nụ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Sủng Trái (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) và cô giáo Hoàng Thị Thưu (Trường Tiểu học Hương Liên, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) về hành trình vượt khó khăn để mang kiến thức đến cho học sinh dân tộc thiểu số; thầy giáo Nguyễn Văn Lên, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi với nỗ lực phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên…
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay ông cảm thấy ấm áp, gần gũi. Ông cảm ơn chương trình ý nghĩa của 4 cơ quan báo chí và khẳng định điều này thể hiện sự đồng cảm, tôn trọng, sẻ chia.
Tư lệnh ngành Giáo dục cũng chia sẻ những khó khăn cũng như những nỗ lực của ngành khi thực hiện đổi mới căn bản toàn diện trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ quá lớn và quá mới, trong khi cả xã hội đang dùng kinh nghiệm cũ, trải nghiệm mình đã qua, những gì mình đã biết để nhìn nhận công cuộc đổi mới của ngành.
Theo đó, Bộ trưởng bày tỏ mong báo chí hãy đổi mới thêm nữa cùng ngành giáo dục trong cách nhìn về giáo dục để sự sẻ chia, thấu hiểu với giáo dục sâu sắc hơn, đồng hành và trở thành “bà đỡ” cho sự đổi mới.
Bộ trưởng cho hay rất cần các nhà báo chung tay lan tỏa sự ấm áp, tích cực, đúng đắn của trường học để làm sao mạch chính, điều tốt đẹp của giáo dục trở thành thông tin, cảm xúc chiếm nhiều hơn nữa trong không gian các thông tin và truyền thông.
Khẳng định ngành Giáo dục không thể hoàn thành nhiệm vụ đổi mới nếu không có sự chung tay của xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh báo chí là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của phụ huynh, xã hội để đổi mới cùng ngành./.