Vinh danh 58 giáo viên tận tụy "gieo" kiến thức ở những vùng khó khăn
58 thầy, cô giáo với sự tận tụy, tâm huyết, không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn trở thành những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tối 17/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023.
Năm 2023, chương trình tập trung tuyên dương các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 1/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023, sau hơn hai tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 107 hồ sơ các gương thầy cô giáo từ 51 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu.
Ngày 25/10/2023, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn được 58 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương, trong đó có 19 giáo viên là người dân tộc thiểu số, thuộc 9 dân tộc.
Trong số các giáo viên được tuyên dương dịp này, giáo viên lớn tuổi nhất, có thời gian công tác dài nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, thời gian công tác 32 năm 9 tháng.
Giáo viên trẻ tuổi nhất là thầy giáo Trần Lê Minh Chiến (sinh năm 1996), công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi với thời gian công tác 5 năm 1 tháng.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy nhấn mạnh 58 thầy, cô giáo được lựa chọn tuyên dương năm nay hầu hết đều có tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nhưng đã nỗ lực vượt bậc để hoàn thành nhiệm vụ, đạt thành tích cao trong công tác.
Các thầy, cô, với tất cả sự tận tụy, tâm huyết, không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, mà còn trở thành những tấm gương tiêu biểu để các em noi theo, nhân lên những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Bày tỏ sự trân trọng trước sự nỗ lực để vượt qua khó khăn, vất vả của các thầy, cô giáo, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhấn mạnh: “Mặc dù hoàn cảnh khác nhau nhưng các thầy, cô giáo tham dự chương trình lần này đều có điểm chung, họ đã chọn việc khó khăn để nhiều người được làm việc nhẹ nhàng, đã chọn cuộc sống gian khổ để viết nên những bài học thiêng liêng về tình nghĩa thầy trò và tình yêu quê hương, Tổ quốc.”
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hy vọng, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc sẽ cổ vũ, động viên các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp thêm sức mạnh để các thầy, cô giáo vượt qua mọi thử thách, không ngừng tìm tòi sáng tạo những phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất, góp phần tạo nên những thế hệ người Việt Nam thời kỳ mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Nhân dịp này, 58 giáo viên được tuyên dương đã được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; biểu trưng của chương trình, sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng những hình thức khen thưởng khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc.
Triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đồng thời tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo,” “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, từ năm 2015, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã được tổ chức nhằm tuyên dương các thầy, cô giáo và những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Đặc biệt, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 là một chiến dịch dài hơi toàn diện từ offline đến online với sự đồng hành của nhiều đại sứ là các nghệ sỹ, chuyên gia giáo dục, giáo viên uy tín, học sinh tiêu biểu.
Các đại sứ đồng hành cùng chương trình đã tham gia vào nhiều hoạt động có ý nghĩa để tôn vinh các thầy cô và lan tỏa mạnh mẽ những câu chuyện đẹp về nghề giáo đến với toàn xã hội.
Sau 8 lần tổ chức, chương trình đã lựa chọn và tôn vinh 458 giáo viên thuộc các đối tượng giáo viên “cắm bản;” giáo viên công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; giáo viên mang quân hàm xanh; giáo viên dạy học sinh khuyết tật; giáo viên trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số; giáo viên là người dân tộc thiểu số; giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19; thầy giáo, cô giáo có thành tích nổi bật, có học sinh tham gia và giành giải thưởng tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; có nhiều sáng kiến đổi mới việc dạy và học đã được áp dụng vào thực tế và đạt kết quả cao; đang công tác tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đã có thành tích được cộng đồng, xã hội ghi nhận...
Chương trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, ngành ở Trung ương và được dư luận xã hội đánh giá cao./.