Các nghiệp đoàn Hy Lạp tuần hành sau vụ tai nạn đường sắt
Cuộc đình công của những nghiệp đoàn hàng đầu đất nước làm gián đoạn hoạt động giao thông, trong đó có các dịch vụ vận tải hàng không khi tất cả các chuyến bay buộc phải tạm dừng trong 24 giờ.
Ngày 16/3, các nghiệp đoàn tại Hy Lạp khởi động cuộc đình công trong 24 giờ cùng với các cuộc biểu tình được lên kế hoạch tại nhiều thành phố lớn, nhằm bày tỏ sự phẫn nộ về vụ tai nạn tàu hỏa xảy ra tháng trước cướp đi sinh mạng của 57 người.
Cuộc đình công của những nghiệp đoàn hàng đầu đất nước làm gián đoạn hoạt động giao thông, trong đó có các dịch vụ vận tải hàng không và dịch vụ tàu phà. Tất cả các chuyến bay buộc phải tạm dừng trong 24 giờ và chỉ các chuyến bay quá cảnh, khẩn cấp và các chuyến bay tìm kiếm, cứu nạn hoạt động.
Nhiều dịch vụ công và trường học công lập cũng tạm dừng. Những người biểu tình cho rằng Chính phủ Hy Lạp đã "phớt lờ" cảnh báo của các nghiệp đoàn về biện pháp đảm bảo an toàn trong ngành đường sắt.
Đây là cuộc biểu tình mới nhất trong hàng loạt cuộc biểu tình, thậm chí là bạo lực, diễn ra sau vụ tai nạn kinh hoàng.
Tuần trước, khoảng 65.000 người đã xuống đường tuần hành trên khắp đất nước, trong đó có khoảng 40.000 người tại thủ đô Athens.
[Biểu tình lớn tại Hy Lạp sau thảm họa đường sắt khiến 57 người chết]
Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng xảy ra đêm 28/2 khi một đoàn tàu chở 350 hành khách trong hành trình di chuyển từ thủ đô Athens đến thành phố Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp, đã đâm trực diện vào một tàu chở hàng từ Thessaloniki đến thành phố Larissa.
Đa số nạn nhân là sinh viên đại học trở lại trường sau kỳ nghỉ cuối tuần. Một số người vẫn còn phải điều trị trong bệnh viện, trong đó có một nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Trưởng ga làm nhiệm vụ vào thời điểm xảy ra tai nạn và 3 quan chức khác đã bị buộc tội, tuy nhiên dư luận vẫn bất bình về việc quản lý mạng lưới đường sắt kém cỏi trong thời gian dài.
Bộ trưởng Giao thông Hy Lạp Kostas Karamanlis đã đệ đơn từ chức sau khi vụ tai nạn xảy ra.Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis bày tỏ xin lỗi và cam kết sẽ điều tra minh bạch về sự việc này.
Ông Mitsotakis cho rằng thảm họa xảy ra là do "lỗi con người." Nhưng các nghiệp đoàn đường sắt từ lâu đã cảnh báo về các vấn đề mất an toàn trên tuyến đường ray xảy ra tai nạn.
Thảm kịch đã phơi bày tình trạng xuống cấp trầm trọng kéo dài hàng thập kỷ của mạng lưới đường sắt Hy Lạp, đồng thời gây áp lực với chính phủ trước thềm bầu cử quốc gia diễn ra vào tháng 5 tới./.