Bến Tre: Giá dừa khô nguyên liệu tăng gấp đôi
Nông dân trồng dừa vui mừng vì giá dừa tăng ổn định trong nhiều tháng qua, giúp bà con tăng thu nhập, đón Tết nguyên đán được sung túc hơn.
Giá dừa khô nguyên liệu tại Bến Tre tăng 130.000-140.000 đồng/chục (12 trái) cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Nông dân trồng dừa vui mừng vì giá dừa tăng ổn định trong nhiều tháng qua, giúp bà con tăng thu nhập, đón Tết nguyên đán được sung túc hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), hơn 5 năm qua giá dừa khô nguyên liệu mới tăng cao trở lại, trước đây giá dừa luôn ở mức thấp nhất là vào thời điểm dịch bệnh COVID-19.
Bà Hạnh cho biết gia đình bà vừa thu hoạch 700 trái dừa bán với giá 132.000 đồng/chục (12 trái) chưa trừ công thu hái, các tháng trước giá dừa giữ mức ổn định từ 90.000-100.000 đồng/chục.
Bà Hạnh chia sẻ với giá ổn định như hiện nay, giúp nông dân có thêm thu nhập, trước mắt, đón Tết sung túc hơn. Bên cạnh đó, nông dân có thêm chi phí đầu tư cho cây dừa. Hiện nay, đang chuẩn bị bước vào thời điểm hạn mặn, cây dừa cần bón phân chăm sóc, đầu tư hệ thống trữ nước ngọt.
Ngoài ra, tình hình sâu bệnh (nhất là sâu đầu đen) gây tác hại rất lớn cho người trồng dừa. Bà Hạnh nhận định, nếu giá dừa không tăng, nông dân không có thêm chi phí, khi đó sẽ rất khó khăn đầu tư cho cây dừa, cây dừa không đảm bảo về chất lượng cũng như sản lượng.
Ông Trần Văn Hai, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cho hay, vào tuần trước ông vừa thu hoạch 1 ha vườn dừa của gia đình bán với giá 125.000 đồng/chục, hiện nay, giá dừa có thương lái thu mua tăng lên 10.000 đồng/chục.
Theo ông Hai, tuy thời điểm hiện nay sản lượng dừa giảm, nhưng với giá tăng cao giúp nông dân thu nhập cao hơn tháng trước. Đang vào thời điểm Tết nguyên đán sắp đến với thu nhập này nông dân trồng dừa vui mừng đón Tết.
Bên cạnh đó, gia đình có thêm nguồn kinh phí đầu tư tái tạo cho cây dừa giúp cây dừa phát triển, có đủ dinh dưỡng chống chọi thời điểm hạn mặn sắp tới.
Ông Hai mong muốn, giá dừa luôn giữ mức ổn định để nông dân phát triển bền vững gắn bó với cây dừa. Bên cạnh đó, hiện nay, cây dừa trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, đưa cây dừa phát triển ổn định, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển ổn định cùng cây dừa trong thời gian tới.
Theo thương lái thu mua dừa tại Bến Tre, giá dừa tăng do thị trường trong nước tiêu thụ mạnh, nhất là cây dừa khô nguyên liệu sử dụng rất lớn trong sản xuất bánh kẹo vào dịp Tết. Cùng với đó, cây dừa đang vào mùa treo (mùa nghịch vụ) sản lượng giảm, các nơi cần nguồn dừa khô nguyện liệu cho đợt sản xuất.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, toàn tỉnh có hơn 80.000 ha dừa; trong đó dừa khô nguyên liệu chiếm hơn 80%.
Hiện, giá thu mua dừa tăng giúp nông dân có điều kiện thu nhập tăng, người dân sẽ chủ động hơn trong sản xuất khi ứng phó đợt hạn mặn sắp đến. Ngành chức năng các địa phương đang tích cực hỗ trợ người dân ứng dụng phương án phù hợp điều kiện sản xuất để giảm thiện hại hạn mặn ảnh hưởng đến vườn dừa của người dân.
Mặt khác, hiện nay tỉnh Bến Tre có nhiều doanh nghiệp chế biến cho ra nhiều sản phẩm dừa chuyên sâu như: làm mỹ phẩm, thực phẩm tạo ra những mặt hàng có giá trị cao để xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Ông Đức cho rằng, khi khơi thông được thị trường xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường trên thế giới thì giá dừa sẽ ổn định hơn rất nhiều. Tuy nhiên, để giá dừa bền vững, doanh nghiệp ngành dừa cần tăng cường chế biến, xuất khẩu, đồng thời liên kết sản xuất tiêu thụ với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng mã vùng trồng cho dừa, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và sản xuất hữu cơ.
Từ đó, hình thành chuỗi giá trị dừa hoàn chỉnh nhằm tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất, góp phần gia tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đến nay, chuỗi giá trị sản phẩm dừa của tỉnh Bến Tre có 28 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô hơn 5.648 ha và 6.226 thành viên; dừa công nghiệp có 28 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác với quy mô hơn 5.467 ha và 5.916 thành viên; dừa uống nước có 12 tổ hợp tác với quy mô 181.4 ha và 310 thành viên.
Hiện, tổng diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn tỉnh lên hơn 16.000 ha, chiếm 20,7% trên tổng diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là hơn 9.500 ha
Theo ông Huỳnh Quang Đức, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp với nông dân, nông dân với nông dân, tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả các tổ hợp tác, hợp tác xã trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi; đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; trong đó, ưu tiên phát triển và mở rộng vùng dừa hữu cơ./.