Thị trường dầu thế giới "im ắng" trước đợt nghỉ lễ cuối năm
Chốt phiên 23/12, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 31 xu (0,43%) xuống 72,63 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 22 xu (0,32%) xuống 69,24 USD/thùng.
Ngày 23/12, giá dầu thế giới giảm nhẹ trong một phiên giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do đà tăng của đồng USD lo ngại về tình trạng dư cung trong năm tới.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 31 xu (0,43%) xuống 72,63 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 22 xu (0,32%) xuống 69,24 USD/thùng.
Các nhà phân tích của tập đoàn tài chính Macquarie dự báo rằng, tình trạng dư cung sẽ ngày càng gia tăng trong năm tới. Điều này sẽ khiến giá dầu Brent trung bình chỉ đạt mức 70,50 USD/thùng, thấp hơn so với mức trung bình 79,64 USD của năm nay.
Những lo ngại về nguồn cung cho châu Âu đã giảm bớt sau khi có thông tin cho thấy đường ống Druzhba, nơi vận chuyển dầu của Nga và Kazakhstan đến Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Đức, đã hoạt động trở lại.
Trước đó, đường ống này đã phải ngừng hoạt động do các vấn đề kỹ thuật tại một trạm bơm của Nga.
Trong khi đó, đồng USD đã dao động quanh mức cao nhất trong hai năm trong phiên sáng 23/12, sau khi chạm mức này trong phiên cuối tuần trước.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng đầu tư UBS cho biết giá dầu đã giảm sau khi đồng USD tăng giá.
Đồng USD mạnh lên khiến giá dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Dữ liệu kinh tế của Mỹ công bố tuần trước cho thấy lạm phát đã hạ nhiệt, giúp giảm bớt lo ngại sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất vào tuần trước.
Ông John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý quỹ Again Capital ở New York, nhận định rằng, với việc Fed đưa ra các tín hiệu trái chiều và một số dữ liệu kinh tế không thực sự mạnh mẽ, thị trường đang trở nên ảm đạm.
Trong tuần trước, giá dầu Brent đã giảm khoảng 2,1%, trong khi giá dầu WTI kỳ hạn giảm 2,6%, do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu sau khi Fed đưa ra tín hiệu thận trọng về việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngoài ra, một nghiên cứu từ tập đoàn lọc hóa dầu Sinopec cũng cho thấy, mức tiêu thụ dầu của Trung Quốc có thể sẽ đạt đỉnh vào năm 2027, và điều này cũng gây áp lực lên giá dầu.
Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump gần đây đã kêu gọi Liên minh châu Âu tăng cường nhập khẩu dầu và khí đốt từ Mỹ, nếu không hàng xuất khẩu của khối này sẽ phải đối mặt với hàng rào thuế quan./.