Mỹ mở cuộc điều tra rủi ro từ các chính sách bán dẫn của Trung Quốc

Cuộc điều tra tập trung vào những chất bán dẫn nền tảng được sử dụng trong mọi sản phẩm từ ôtô đến thiết bị y tế, và liệu các hành động của Trung Quốc có tác động tới thương mại của Mỹ hay không.

Các quan chức Mỹ ngày 23/12 tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về những chính sách của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp bán dẫn vì lo ngại nước này đang sử dụng “những biện pháp phản cạnh tranh và phi thị trường quy mô lớn” nhằm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các nền kinh tế khác.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), cuộc điều tra tập trung vào những chất bán dẫn nền tảng được sử dụng trong mọi sản phẩm, từ ôtô đến thiết bị y tế, và liệu các hành động của Trung Quốc có tác động tới lĩnh vực thương mại của Mỹ hay không.

Các quan chức sẽ có một năm để tiến hành điều tra và quyết định các biện pháp ứng phó.

Văn phòng USTR nhấn mạnh mối lo ngại là các hoạt động của Trung Quốc có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp và người lao động Mỹ, những chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, chuỗi cung ứng chất bán dẫn có khoảng 2/3 số lượng sản phẩm của Mỹ chứa chip được sản xuất tại Trung Quốc. Trong đó, khoảng 50% số doanh nghiệp không biết chắc chắn liệu sản phẩm của họ có sử dụng chip Trung Quốc hay không.

Trong số này có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu và sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Trong thời gian qua, Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực củng cố năng lực sản xuất chip của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào những quốc gia khác.

Theo Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, Lael Brainard, cuộc điều tra nói trên là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và phục hồi sản xuất tại Mỹ.

Việc thực hiện cuộc điều tra này dựa trên Mục 301 của Đạo luật Thương mại, công cụ tương tự đã được sử dụng trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump để áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ tài trợ tới 1,6 tỷ USD để thúc đẩy đóng gói sản phẩm bán dẫn, giữa bối cảnh nước này đang tìm cách duy trì dẫn đầu về công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gay gắt.

Khoản tài trợ này nằm trong Đạo luật CHIPS và Khoa học, một gói ưu đãi nhằm thúc đẩy nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ.

Đóng gói chất bán dẫn cho phép các thành phần được kết hợp thành một thiết bị điện tử duy nhất và khoản đầu tư mới nhất này nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong quy trình đó.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết mục tiêu là giúp phát triển một ngành công nghiệp đóng gói tiên tiến trong nước, có khả năng tự duy trì và có lợi nhuận.

Trong khi đó, Hiệp hội công nghiệp toàn cầu SEMI dự đoán các nhà sản xuất chất bán dẫn sẽ chi 400 tỷ USD cho thiết bị sản xuất chip trong giai đoạn 2025-2027, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu.

Những nguyên nhân chính khiến SEMI đưa ra dự đoán trên bao gồm nhu cầu tự chủ nguồn cung của các nước và khu vực khi bất đồng thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng chip, và nhu cầu gia tăng về các loại chip liên quan tới Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Trong một báo cáo, SEMI ước tính rằng chi tiêu cho thiết bị sản xuất chip sẽ tăng 24% lên 123 tỷ USD vào năm 2025.

Các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn trên thế giới bao gồm ASML (Hà Lan), Applied Materials, KLA Corp và Lam Research (Mỹ) và Tokyo Electron (Nhật Bản).

SEMI cho biết Trung Quốc dự kiến sẽ duy trì vị thế là quốc gia chi tiêu hàng đầu cho thiết bị sản xuất chip. Theo dự đoán, Trung Quốc sẽ đầu tư hơn 100 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2027 theo chính sách tự chủ nguồn cung của nước này.

Còn mức chi tiêu của châu Mỹ, Nhật Bản và châu Âu trong giai đoạn 2025-2027 ước tính lần lượt là 63 tỷ USD, 32 tỷ USD và 27 tỷ USD.

Theo SEMI, các khu vực và quốc gia nói trên dự kiến sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào thiết bị sản xuất chip vào năm 2027 so với năm 2024 để giảm bớt lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn./.