Armenia và Azerbaijan đang tiến tới bình thường hóa quan hệ

Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev, cho rằng "có khả năng đi đến một thỏa thuận hòa bình, xét đến việc Armenia chính thức công nhận Karabakh là một phần của Azerbaijan."

Binh sỹ Azerbaijan tuần tra tại trạm kiểm soát ở thị trấn Shusha, sau cuộc xung đột với binh sỹ Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 26/11/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/5, sau các cuộc gặp tại Moskva (Liên bang Nga), Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết hai nước đang tiến tới bình thường hóa quan hệ sau khi công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Hai nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi bước vào cuộc gặp ba bên diễn ra cùng ngày.

Phát biểu trước các cuộc đàm phán này, Tổng thống Azerbaijan Aliyev cho rằng "có khả năng đi đến một thỏa thuận hòa bình, xét đến việc Armenia chính thức công nhận Karabakh là một phần của Azerbaijan."

Về phần mình, Thủ tướng Armenia Pashinyan cho biết hai bên đã đạt được bước tiến tốt trong việc bình thường hóa quan hệ dựa trên sự công nhận toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Ông Pashinyan khẳng định Yerevan sẵn sàng giải tỏa tất cả các tuyến giao thông trong khu vực đi qua lãnh thổ Armenia.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp ba bên Nga-Armenia-Azerbaijan, Tổng thống Putin cũng nhận định tình hình giữa Armenia và Azerbaijan đang tiến triển theo hướng giải quyết vấn đề dù vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định nhưng chỉ mang tính kỹ thuật.

Theo ông Putin, một trong những vấn đề còn tồn tại là các tuyến giao thông, nhưng vấn đề này có thể giải quyết được.

[Thủ tướng Armenia nhấn mạnh điều kiện hòa giải với Azerbaijan]

Tổng thống Putin cho biết thêm các Phó Thủ tướng của Nga, Armenia và Azerbaijan sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Moskva để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.

Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp đối với các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân.

Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 vừa qua thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh./.

Luyến Viên (TTXVN/Vietnam+)