Tiếp tục ra mắt thêm nhiều xuất bản phẩm có giá trị tiêu biểu, góp phần đào tạo, bồi dưỡng thanh thiếu niên và nhi đồng
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục sáng tạo, đổi mới, cho ra mắt thêm nhiều xuất bản phẩm có giá trị tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp; góp phần đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng tầng lớp thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…
Chiều 29/8, Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn, đã khảo sát, làm việc tại Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị xuất bản tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập Chỉ thị gắn với nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức triển khai tuyên truyền về Chỉ thị thông qua hệ thống báo chí. Kết quả đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp bộ đoàn, các cơ quan xuất bản trong việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 42-CT/TW.
Trong những năm qua, nội dung các xuất bản tại các đơn vị xuất bản thuộc Trung ương Đoàn luôn giữ đúng định hướng chính trị, bảo đảm tính khoa học, đại chúng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị tiêu biểu về nội dung chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, có giá trị cao trong giáo dục, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng cho thanh thiếu nhi đã thu hút sự quan tâm lớn của độc giả, có độ lan tỏa cao.
Các xuất bản phẩm của 2 nhà xuất bản đã phục vụ kịp thời, có hiệu quả những sự kiện trọng đại của đất nước như: Đại hội Đảng, Đại hội Đoàn các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; phục vụ việc thực hiện Chỉ thị số 03- CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phục vụ việc học tập, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng, Đại hội Đoàn toàn quốc; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn hằng năm...
Công tác phát hành xuất bản phẩm đã đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Công tác chăm lo, phát triển nhu cầu văn hóa đọc được quan tâm, đẩy mạnh với việc phát triển hệ thống sách song ngữ, xuất bản nhiều sách bằng tiếng dân tộc với trình độ thích hợp, đáp ứng nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều chương trình giao lưu tác giả - tác phẩm, thiện nguyện, xây dựng tủ sách, tặng sách, góp phần tích cực trong việc khích lệ sự quan tâm của xã hội đối với văn hóa đọc, cải thiện tình trạng thiếu sách trong thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em nghèo tại các địa bàn miền núi, hải đảo...
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hoạt động của các nhà xuất bản trực thuộc Trung ương Đoàn trong thời gian qua. Các đại biểu cũng cho rằng các nhà xuất bản cần chủ động hơn nữa trong công tác liên doanh, liên kết, nhất là liên kết quốc tế; đổi mới, nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ tốt nhất cho công tác xuất bản và phát hành sách, đặc biệt cần thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của các nhà xuất bản…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khẳng định: Những gợi ý sâu sắc của các thành viên trong Đoàn khảo sát là cơ hội rất tốt để Ban Bí thư Trung ương Đoàn thực hiện tốt hơn nữa chức năng cơ quan chủ quản xuất bản; cũng như các nhà xuất bản của Đoàn thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích của mình, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế; xác lập tầm nhìn chiến lược, hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản của Trung ương Đoàn nói riêng, hệ thống xuất bản của Đoàn nói chung trong thời gian tới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc tổ chức, thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, đặc biệt, đã thể hiện rõ vai trò cơ quan chủ quản trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động xuất bản nói chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW nói riêng. Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Phan Xuân Thủy cũng phân tích một số nội dung còn tồn tại, hạn chế trong công tác xuất bản của các nhà xuất bản trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Để phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong tình hình mới, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong lãnh đạo, chỉ đạo nhà xuất bản phát triển, giữ vững thương hiệu nhà xuất bản hàng đầu dành cho đối tượng thanh thiếu niên và nhi đồng, là điểm sáng của ngành Xuất bản.
Theo đồng chí Phan Xuân Thủy, cần tiếp tục sáng tạo, đổi mới, cho ra mắt thêm nhiều xuất bản phẩm có giá trị tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp; nâng cao nhận thức, bồi đắp tinh thần khởi nghiệp, khát vọng cống hiến, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng tầng lớp thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng lưu ý, cần lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và miền núi; đáp ứng nhu cầu đọc của mọi đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng trên mọi miền Tổ quốc. Tiếp tục phát huy thế mạnh của các nhà xuất bản trong việc xây dựng, triển khai các tủ sách, cuộc thi viết sách, chương trình quảng bá sách, hoạt động thiện nguyện trao tặng sách. Quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tiếp cận, mở mang kiến thức cho các đối tượng độc giả. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, người làm xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.