Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản

Chủ trì Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới”, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, hoạt động đào tạo cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Xuất bản có tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong điều kiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Đồng chí Phan Xuân Thủy nêu rõ, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là nhiệm vụ then chốt, có tính chất quyết định đến sự phát triển của ngành Xuất bản ở Việt Nam trong thời kỳ mới, điều này đã được khẳng định trong Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Do đó, công tác đào tạo phải góp phần giúp ngành Xuất bản thực hiện tốt hai nhiệm vụ kép: Vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc sách của nhân dân, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, xây dựng ngành Xuất bản trở thành một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn, phát triển toàn diện, vững chắc.

Theo đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thời gian qua, các cơ sở đào tạo chủ lực trong lĩnh vực Xuất bản đã tích cực rà soát, đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong cả ba lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, theo hướng hiện đại, khoa học, lấy người học làm trung tâm, chú trọng tính thực hành, thực tế và tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Công tác đào tạo ngày càng bám sát và đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi mới của thực tiễn, thường xuyên bổ sung, cập nhật các nội dung đào tạo mới theo những bước tiến của ngành Xuất bản trong nước và thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành Xuất bản, các cơ sở đào tạo đã nhanh chóng thích ứng, chuyển trọng tâm sang các lĩnh vực xuất bản số, xuất bản điện tử, công nghệ xuất bản, in và phát hành, thương mại hóa trong hoạt động xuất bản… gắn với trang bị các kỹ năng thiết yếu về công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ, tin học cho người học. Cùng với đó tiếp tục quan tâm bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp đội ngũ cán bộ ngành Xuất bản. Nhờ đó, đã đào tạo và cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực xuất bản ngày càng có năng lực, trình độ, phẩm chất, cơ bản đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Ghi nhận các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã phân tích, dự báo bối cảnh, xu hướng phát triển của ngành xuất bản trong thời gian tới, từ đó đề xuất các giải pháp, khuyến nghị xác đáng, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Xuất bản, coi đây là động lực quan trọng để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đồng chí Phan Xuân Thủy lưu ý, cần tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, hình thức, khung chương trình đào tạo. Trong đó, chú trọng thiết kế các mảng kiến thức và thời lượng phù hợp cho từng mảng cụ thể trong tổng thể chương trình đào tạo; coi trọng khối kiến thức, kỹ năng thực hành, thực tập nghề nghiệp trong chương trình đào tạo. Đồng thời, thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên ngành Xuất bản trong các cơ sở đào tạo; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng phương tiện hiện đại trong hoạt động giảng dạy; hoàn thiện hệ thống học liệu; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, tổng kết thực tiễn trong ngành Xuất bản.

Các cơ sở đào tạo cần tăng cường gắn kết với cơ quan, doanh nghiệp, nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành trong quá trình đào tạo; gắn việc đào tạo, dự báo nhu cầu đào tạo với yêu cầu thực tiễn của ngành xuất bản, in và phát hành. Cần thu hút các chuyên gia là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo nhà xuất bản, công ty, doanh nghiệp sách tham gia giảng dạy các môn học, chuyên đề trong chương trình đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế đối với hoạt động này…

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động xuất bản Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức ngày 28/8, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang hướng tới tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/08/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 68 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Xuất bản, và các cơ quan xuất bản, với nhiều chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng.

Các tham luận tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; phân tích, đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam hiện nay, chỉ rõ các thành tựu, hạn chế và phân tích nguyên nhân, làm rõ những vấn đề đặt ra; đề xuất các định hướng, giải pháp và khuyến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Sau Hội thảo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chắt lọc ý kiến tham luận, góp ý để xây dựng báo cáo kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật để tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới./